Cảnh giác biến tướng đa cấp trong lĩnh vực bất động sản
Thông tin mù mờ, hợp đồng góp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Việc tổ chức các khóa đào tạo, buổi chia sẻ về phương thức tư duy cũng như cách bán hàng bất động sản, tình hình thị trường, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này... là hình thức chung để tìm kiếm khách hàng mới của các đơn vị kinh doanh bất động sản.
Họ thường tổ chức các buổi học mà các diễn giả thường là lãnh đạo chính các sàn bất động sản dựa vào khả năng trình bày để thuyết phục các học viên tham gia đầu tư những sản phẩm do đơn vị này đứng ra phân phối.
Thế nhưng phần giới thiệu về dự án chỉ gói gọn trong những thông tin, hình ảnh, video do chính diễn giả cung cấp. Còn bản thân những học viên có khi cũng chưa bao giờ được đến những địa điểm mà chủ đầu tư giới thiệu với rất nhiều cái nhất và đầy tiềm năng sinh lời.
Có thể thấy một thực tế là các lớp học dạng này cũng là một hình thức đa cấp, bởi sau một vài buổi dạo đầu, diễn giả và cũng có thể là một vài “học viên” cò mồi bắt đầu lân la rỉ tai rủ rê những người khác góp vốn chung nhau mua vài suất “ưu đãi” ở dự án này dự án khác…
Sản phẩm bất động sản được bán theo hình thức đa cấp chủ yếu là bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng. Đây là phân khúc khá kén khách và vị trí phải được lựa chọn kỹ càng. Trong khi đó, những dự án được các sàn đa cấp chào bán đa số ở các tỉnh phát triển du lịch nhưng lại nằm ở những nơi có vị trí hạ tầng kém, thậm chí hoang sơ, hẻo lánh. Ở những vị trí đó, sản phẩm khó tăng giá vì đất rẻ, thậm chí còn không bảo toàn được đồng vốn, nên khả năng sinh lời còn bỏ ngỏ.
Một rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư là các dự án bất động sản loại này đều là loại sản phẩm hình thành trong tương lai nên những người mua sẽ cùng đứng tên trong hợp đồng góp vốn hoặc đặt cọc với đại lý, nộp tiền theo tiến độ. Hợp đồng góp vốn cũng có nghĩa là làm ăn được thì cùng hưởng, còn thua lỗ thì cùng chịu, điều khoản ràng buộc không lớn.
Với những chủ đầu tư huy động dưới dạng góp vốn, họ thường dùng chính số tiền nộp của người mua để xây dựng. Do đó, nếu dự án bán được nhiều thì xây dựng nhanh trong khi nếu bán chậm thì thậm chí sẽ không thể triển khai.
Và cũng để hỗ trợ thêm cho hình thức bán hàng này, các biện pháp “dội bom” điện thoại, lập trang web bán hàng lập lờ, tổ chức hội thảo hoành tráng… cùng những chiêu bắt khách của các cò nhà đất đang tạo ra ma trận thông tin bất động sản làm cho các nhà đầu tư không biết đâu mà lần.
Cần sự vào cuộc của các nhà quản lý
Rõ ràng, những hoạt động bán hàng mang tính chất “mù mờ” phi chính thống như vậy sẽ mang lại rủi ro lớn trong dài hạn cho chủ đầu tư dự án. Do đặc thù của những thông tin về dự án không rõ ràng, hình thức đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể dẫn đến một hệ quả là người mua mất niềm tin vào chính dự án đó, mất niềm tin vào chính các chủ đầu tư đó trong tương lai.
Những hình thức rao bán bất động sản bằng đa cấp, bằng cách rỉ tai hoặc qua các mạng xã hội, điều mà ngay cả các chủ đầu tư cũng khó có thể kiểm soát được. Những "lớp học" trên rất cần được các cơ quan chức năng chú ý bởi nguy cơ gây bất ổn tiềm ẩn của nó.
Trả lời báo chí, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thông qua các kênh dư luận báo chí và phản ảnh của người dân, Bộ Công thương cũng đã biết một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản triển khai hình thức bán hàng theo hình thức tương tự kinh doanh đa cấp. Bộ sẽ cố gắng đi tìm nguyên nhân và tìm cách giải bài toán đối với những đơn vị này.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là người đầu tư hay mua các sản phẩm bất động sản cần phải được cung cấp thông tin trung thực về dự án và nhất là những thông tin mà các nhà kinh doanh bán hàng đưa ra phải chuẩn xác, không thổi phồng. Các dự án khi bán phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, đủ điều kiện để đưa ra thị trường.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng kêu gọi người dân khi thấy bất kỳ dấu hiệu vi phạm nào của các đơn vị bán hàng đa cấp trong trong bất cứ lĩnh vự nào, không riêng gì bất động sản thì gọi ngay tới đường dây nóng của Cục Quản lý cạnh tranh (0439387846) để cơ quan chức năng nắm bắt, xử lý kịp thời.