Cạnh tranh nhân công thấp để làm gì?
Nhân công vẫn là lợi thế của Việt Nam | |
Nhân công giá rẻ không tạo nên sự hấp dẫn | |
Khi ưu thế giá nhân công không còn |
Hôm thứ Bảy tuần trước, hơn nghìn công nhân của Công ty Dệt may Panko Tam Thăng (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), thuộc Tập đoàn Panko Hàn Quốc đã cùng nghỉ làm việc, đứng chật kín xưởng sản xuất để phản ứng lại mức lương thấp và phúc lợi xã hội không rõ ràng mà chủ DN này trả cho họ.
Theo các báo đưa tin, mức lương thử việc tháng đầu họ nhận được là 2,7 triệu đồng, thì tháng tiếp theo chỉ tăng lên mức 2,9 triệu đồng (đã trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…). Nhưng đáng nói hơn là cả những công nhân có tay nghề cũng phải nhận lương thấp như vậy, khác xa so với cam kết trả lương bình quân 4 triệu đồng/tháng tại thông báo tuyển dụng của DN trước đó. Nên đây cũng không phải lần đầu các công nhân này nghỉ làm việc để phản đối.
Ảnh minh họa |
Dự án Nhà máy Dệt may Panko Tam Thăng được khởi công tháng 7/2015 với tổng vốn đầu tư cam kết 70 triệu USD, trên phần diện tích sử dụng 33,5ha, được thiết kế khép kín từ khâu dệt tới nhuộm, may thành phẩm. Ước tính khi dự án đi vào hoạt động hết công suất sẽ có nhu cầu sử dụng khoảng 15.000 lao động. Nhìn vào khả năng tạo việc làm của dự án, cũng như lĩnh vực sản xuất và quy trình khép kín từ dệt tới sản phẩm hoàn chỉnh, đây rõ ràng là một dự án “thức thời”.
Không chỉ hứa hẹn giúp giải quyết nhiều việc làm tại địa phương, vốn là vấn đề được chính quyền sở tại đặc biệt quan tâm, nhưng đồng thời với ngành dệt may Việt Nam được cho là có nhiều lợi thế để phát triển, khi chúng ta hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, thì dự án chắc chắn được đánh giá cao không chỉ trong các cấp lãnh đạo địa phương mà còn nhận được sự ủng hộ của người dân. Nhưng sau sự phản kháng của công nhân vừa rồi, chuyện “được và mất” trong thu hút dự án đầu tư nước ngoài lại một lần nữa dấy lên với nhiều suy ngẫm.
Không rõ bao nhiêu trong số cả nghìn công nhân đứng lên phản ứng lại chế độ phúc lợi của chủ DN nói trên là những người đã phải bỏ đồng ruộng, dành phần đất của gia đình mình để chủ đầu tư xây dựng lên nhà máy? Với họ, giờ đây mong ước “rũ bỏ bùn đất” để sáng vào ca, chiều về sum vầy đầm ấm bên gia đình chắc rằng khó hiện thực. Thu nhập chưa đến 3 triệu đồng/tháng, thu vén cuộc sống cũng không dễ dàng chứ đừng nói đến tích lũy, đỡ đần cha mẹ khi ốm đau, lập gia đình và nuôi dạy con cái…
Địa phương đứng ra thu hút những dự án như vậy cũng chưa chắc đã hưởng lợi? Sau những cái bắt tay thật chặt và champagne sóng sánh mừng khai trương nhà máy, chỉ còn lại là khoản thuế đất đã bị đẩy xuống thấp sau cuộc cạnh tranh ưu đãi giữa các địa phương; những khoản thuế giảm và ân hạn dài… Trong khi đó, khối DN FDI luôn trong “nghi án” trốn thuế, chuyển giá, nợ thuế khó thu hồi, thì khi tranh chấp giữa người lao động và giới chủ xảy ra lại có thêm một thách thức “đau đầu” để xử lý.
Ở góc độ cả nền kinh tế, chúng ta đang dốc sức thu hút nguồn vốn nước ngoài bởi mong ước tận dụng tài chính, công nghệ, quản trị… Nhưng thực tế, thành quả đem lại chưa được nhìn thấy rõ nét. Trong các báo cáo về đầu tư nước ngoài lâu nay, hình thức DN FDI chủ yếu vẫn là 100% vốn nước ngoài, nên chuyện chuyển giao công nghệ, liên kết chuỗi sản phẩm… cũng không “rộng cửa” cho DN nội địa cùng tham gia. Khu vực trong nước vẫn chủ yếu là DNNVV, đối diện với cuộc sàng lọc “chết đi, sống lại”…
Ngay khi nhìn lại sự việc tại Công ty Dệt may Panko Tam Thăng vừa qua cũng có thể thấy, cho dù thu nhập thấp, người lao động không bỏ việc ngay. Nó chứng tỏ họ không còn đường lùi. Tìm việc khó khăn và lo ngại cuộc sống sẽ bấp bênh nếu bỏ việc, người ta sẵn sàng thỏa hiệp nếu thu nhập tăng lên chút ít. Và nó cũng cho thấy bản chất của câu chuyện, nếu muốn đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trong tương lai sắp tới thì các địa phương phải tạo được việc làm có thu nhập cao hơn, chứ không phải chạy theo tiêu chí cạnh tranh nhân công thấp.
Một nền kinh tế nếu còn những rào cản cho các ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp, những khó khăn ngáng đường DN phát triển thì sẽ khó mà phát triển lên hàng triệu DN cho phù hợp quy mô dân số. Chỉ khi mà nền tảng chính sách phải để cho DN phát triển mạnh mẽ, thì lúc đó hàng nghìn công nhân Công ty Dệt may Panko Tam Thăng mới dám rũ bỏ công việc lương thấp tìm việc mới, hoặc chính DN này sẽ phải trả họ mức lương cao hơn để cạnh tranh với DN khác.