Chảy máu khoáng sản
TP.HCM: Chưa xử lý triệt để vi phạm khai thác khoáng sản | |
Sai phạm trong khai thác khoáng sản |
Đây là vấn đề nổi cộm trong suốt một thời gian dài vừa qua mà chính quyền địa phương chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. Điều này gây ra nhiều hệ lụy như thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, cũng như làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhiều người dân sở tại.
Hàng năm thất thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng, do quản lý khoáng sản lỏng lẻo |
Điều đáng nói, tại nhiều xã, tuy phát hiện vụ việc nhưng chính quyền không có biện pháp xử lý và báo cáo ngành chức năng, khiến dư luận hoài nghi về sự tiếp tay.
Đơn cử tại tỉnh Gia Lai, tình hình khai thác khoáng sản trái phép tại các huyện Chư Păh, Ia Grai nóng lên trong thời gian vừa qua. Theo ông Đặng Công Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, trên địa bàn huyện, việc khai thác cát, đá xây dựng trái phép đã gây thất thoát tài nguyên, sạt lở đất nông nghiệp và ô nhiễm môi trường.
Nguyên nhân do các điểm mỏ khoáng sản cát, đá xây dựng nằm rải rác, nhỏ lẻ, không tập trung nên rất khó quản lý. Đối tượng khai thác trái phép thường manh động, thậm chí không trực tiếp ra mặt mà thuê người dân khai thác. Cùng với đó, một số cán bộ xã, thị trấn chưa thực sự vào cuộc, chưa làm tròn trách nhiệm, thẩm quyền, thậm chí có biểu hiện buông lỏng, làm ngơ.
Mới đây, cũng tại Gia Lai lại nổi lên chuyện khai thác đá bazan trụ. Mặc dù không được sự cho phép của các cấp chính quyền, song nhiều hộ dân ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai (Gia Lai) lại cho một số cá nhân thuê đất rẫy để khai thác đá bazan trụ. Trong số đó, có các vụ chính quyền địa phương phát hiện, song không xử lý, thậm chí không báo lên ngành chức năng cấp trên để có biện pháp hóa giải kịp thời.
Chính điều đó khiến dư luận địa phương đánh dấu hỏi, liệu chính quyền địa phương có bao che cho các đối tượng thuê đất để khai thác đá trụ? Theo phản ánh của người dân địa phương, có nhiều điểm khai thác đá trụ trái phép tại làng Bek, xã Ia Bă (huyện Ia Grai).
Thực tế, tại thực địa có một số mỏ tự phát đang khai thác đá khối bazan có hình trụ, đường kính 25-40cm, chiều cao từ 0,8m - 2m. Khu vực khai thác đang ngổn ngang hàng trăm mét khối đá bazan chưa vận chuyển đi tiêu thụ và đã mở các đường lớn để xe tải vào tận nơi bốc xếp, vận chuyển...
Theo người dân địa phương, chính quyền xã Ia Bă đã phát hiện các mỏ đá tự phát này tồn tại từ nhiều tháng trước nhưng không xử lý. Sự việc chỉ được phát hiện khi có phản ánh và đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai tổ chức đi kiểm tra thực tế một mỏ đá gây ảnh hưởng đến vườn cà phê của người dân. Sau đó, UBND huyện Ia Grai chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra và lập biên bản.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai, trách nhiệm quản lý ở cơ sở thuộc về UBND xã Ia Bă. Về hướng xử lý, đơn vị đã mời các bên liên quan đến làm việc, củng cố hồ sơ và tính toán khối lượng khoáng sản khai thác. Sau khi hoàn tất và lập biên bản vi phạm hành chính, đơn vị sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, tịch thu toàn bộ tang vật, yêu cầu các cá nhân có trách nhiệm san lấp giao trả lại hiện trạng theo đúng quy định.
Trước diễn biến phức tạp trong quản lý và khai thác khoáng sản, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản số 1406/UBND-CNXD giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan thực hiện rà soát, đánh giá thực hiện thăm dò, khai thác bãi cát lòng sông, quy hoạch các bến bãi, tập kết cát, sỏi, quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng thông thường của địa phương, bảo đảm phù hợp, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên.
Cùng đó, tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác cát, sỏi xây dựng tại những khu vực lòng sông giáp ranh giữa các địa phương; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi xây dựng trái phép.
UBND tỉnh cũng giao Công an tỉnh Gia Lai đề xuất việc xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi giữa các lực lượng kiểm tra chuyên ngành.