Chế tạo, sản xuất ô tô chạy điện tại Việt Nam: Cần tư duy đi tắt đón đầu
Cần một tư duy đi tắt, đón đầu
Có thể nói công nghiệp ô tô đóng một vai trò khá quan trọng cho nền kinh tế. Ở các nước có ngành Công nghiệp ô tô phát triển thì ngành này thường đóng góp đến 10% GDP, 10% việc làm, 10% xuất khẩu; tạo động lực phát triển khoa học công nghệ và đổi mới và các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển như: cơ khí, hóa chất, nhựa – cao su, điện – điện tử…
Những xe điện chở khách tham quan tại Hà Nội được đông đảo người dân và dư luận ủng hộ |
Kể từ thời điểm những liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tiên ra đời ở nước ta vào những năm 90 của thế kỷ trước (Liên doanh ô tô Mekong và Hòa Bình) theo một kế hoạch, lộ trình phát triển đầy tham vọng, nhưng sau hơn 1/4 thế kỷ, ngành công nghệp ô tô của Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng đi.
Chúng ta vẫn kém xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaisia, Indonesia, Ấn Độ…Và có một thách thức nữa là chỉ còn chưa đầy 2 năm (năm 2018), hầu hết các biểu thuế trong khu vực các nước ASEAN sẽ bị dỡ bỏ. Lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất chính là ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng ô tô điện có thể là một lối thoát.
Hiện nay, sự phát triển của xe ô tô điện đang là xu thế tất yếu, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, khi mà các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu mỏ, than đá đang dần cạn kiệt, các loại phương tiện giao thông sử dụng nguồn năng lượng này sẽ không tồn tại được lâu trong tương lai.
Ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay ở các nước châu Âu, các loại xe điện đang được chú trọng phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu phát triển và sản xuất các dòng xe điện cũng đang là một hướng đi khá mới và mở ra một tương lai đi tắt, đón đầu cho ngành công nghiệp ô tô, mang lại nhiều lợi ích cho các DN, người tiêu dùng cũng như những tác động tích cực tới môi trường.
Thực tế những sản phẩm chủ đạo nền tảng cho một nền công nghiệp chế tạo, sản xuất xe ô tô điện ở Việt Nam như ắc quy, động cơ điện, cơ khí, điện tử…đều hoàn toàn có thể đáp ứng được trong chuỗi cung ứng.
Theo ông Lê Văn Năm. P. TGĐ phụ trách công tác kỹ thuật, sản xuất của Pinaco: "Hiện tại những sản phẩm ắc quy của Pinaco đều có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất về môi trường, về kỹ thuật để cung cấp cho các loại xe chạy điện. Pinaco đã sản xuất được các loại ắc quy khô miễn bảo dưỡng với dung lượng và độ bền cao dùng cho các loại tàu thủy, ô tô điện… Ông Năm cũng chia sẻ ngành công nghiệp pin, ắc quy nước nhà đang chờ đợi một cơ hội trong tương lai của ngành sản xuất ô tô điện của nước nhà.
Tổng giám đốc CTCP chế tạo máy điện Việt Nam – Hungari (VIHEM) - ông Bùi Quốc Bảo cho biết: Thực tế VIHEM đã chế tạo thành công và cung cấp cho các đơn vị lắp ráp các loại xe điện chở khách, chở hàng ở trong nước. Ông Bảo cũng khẳng định chất lượng của động cơ điện VIHEM chịu được mọi sự khắt khe của các tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu và quan trọng là giá thành chỉ bằng 60% của những động cơ nhập khẩu tương đương.
Trao đổi về chiến lược phát triển ô tô điện ở Việt Nam, giáo sư Dư Quốc Thịnh, nguyên Trưởng khoa ô tô, máy kéo trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Ngay từ những năm 1990 khi Bộ Công nghiệp lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên môn về chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô ở Việt Nam. Ông với vai trò là một nhà khoa học đồng thời với danh nghĩa là Tổng thư ký Hội Kỹ sư ô tô đã đệ trình ý kiến nên có chiến lược phát triển các loại phương tiện giao thông sạch trong đó có ô tô chạy điện. Cho đến nay tuy trong chiến lược phát triển chưa có nhưng ông vẫn khẳng định việc phát triển ô tô chạy điện là một hướng đi tắt, đón đầu đầy triển vọng cho nền công nghiệp ô tô Việt Nam.
Những tín hiệu manh nha
Trong thực tế, ở một phân khúc hạn chế nào đó của thị trường những ô tô chạy động cơ điện đã xuất hiện ở Việt Nam. Trước tiên phải kể đến những ô tô chở khách đơn giản, nhỏ gọn, dễ điều khiển được sử dụng trong các khu vực hạn chế như sân gôn, khách sạn, resort…
Ngay khi thấy được những ưu việt của loại phương tiện này ô tô điện đã được cấp phép vận chuyển hành khách du lịch trong thành phố mà đi đầu có lẽ là Công ty cổ phần Đồng Xuân, Hà Nội. Loại hình ô tô điện vận chuyển khách tham quan xung quanh Thủ đô đã được người dân và dư luận đón nhận một cách tích cực và nó được nhân rộng vào các khu du lịch đảo như Cát Bà, Cô tô, Nha Trang, Đà Nẵng…
Hiện nay các dòng sản phẩm ô tô điện chở khách này chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và cũng có một số đơn vị lắp ráp trong nước. Những sản phẩm ô tô khách chạy điện loại này với công nghệ đơn giản tuy vẫn còn những hạn chế như quãng đường vận hành ngắn, sạc điện lâu… nhưng thực sự nó đã mở ra một hướng thị trường tiềm năng và quan trong với những kỹ thuật này thì các DN Việt Nam có chế tạo và sản xuất 100% bằng linh kiện trong nước vơi giá thành cạnh tranh.
Có một thời gian dư luận cũng dậy sóng trước việc một số xe ô tô điện cá nhân loại nhỏ thường là chỉ có 2 chỗ được nhập khẩu vào Việt Nam theo con đường tiểu ngạch từ Trung Quốc với giá bán khoảng 4 đến 50 triệu được người dân ở các thành phố như Hà Nội, TP. HCM đón nhận.
Tuy nhiên vì không được phép nhập chính ngạch và chưa có cơ quan nào kiểm định về mặt kỹ thuật nên bị cấm lưu hành. Như vậy với việc có nhu cầu về xe cá nhân đi trong thành phố thay thế cho xe máy và xe ô tô đông cơ đốt trong là một thị trường đầy tiềm năng của xe ô tô chạy điện tại Việt Nam.
Được biết hiện tại đã có một DN sản xuất chế tạo ô tô - Yo Auto đến từ Liên bang Nga đã quyết định đầu tư sản xuất ô tô chạy điện tại Việt Nam và nếu không có gì thay đổi, dự án sẽ khởi động vào năm tới. Hy vọng đây sẽ là một viên gạch đầu tiên xây dựng nên một nền công nghiệp chế tạo, sản xuất ô tô điện công nghệ cao tại Việt Nam.
>> Bài 2: Tạo cơ chế đánh thức tiềm năng và thị trường