Chi nhánh tổ chức tài chính vi mô không được “quản” quá 3 phòng giao dịch
Quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi của tổ chức tài chính vi mô | |
5 điều kiện để TCTCVM được cấp phép hoạt động |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Dự thảo Thông tư quy định một nội dung về mức dư nợ cấp tín dụng với phòng giao dịch, địa bàn hoạt động, số lượng chi nhánh…
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo Thông tư này, đã không quy định tổng dư nợ cấp tín dụng của phòng giao dịch như các loại hình TCTD khác nhưng yêu cầu tại quy chế về quản lý mạng lưới cần quy định cụ thể về hạn mức hoạt động nghiệp vụ đối với phòng giao dịch trên cơ sở tuân thủ quy định của NHNN (Điều 9). Bởi tại Điều 32 Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/2/2018 quy định về cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô (Thông tư 03) đã quy định tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng tài chính vi mô không được vượt quá 50 triệu đồng, đối với một khách hàng khác không được vượt quá 100 triệu đồng.
Về địa bàn hoạt động của chi nhánh, phòng giao dịch (Điều 6): Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 34 Thông tư 03, địa bàn hoạt động của tổ chức tài chính vi mô sẽ được mở rộng thông qua việc phát triển các đơn vị mạng lưới ra ngoài địa bàn tại tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính. Theo đó, để phù hợp với quy định tại Thông tư 03, dự thảo Thông tư đã lấy đơn vị hành chính là tỉnh, thành phố để giới hạn địa bàn hoạt động của chi nhánh, cụ thể như sau: Chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô hoạt động trong phạm vi một tỉnh, thành phố được quy định cụ thể trong văn bản chấp thuận thành lập chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước; Phòng giao dịch của tổ chức tài chính vi mô hoạt động trong phạm vi một tỉnh, thành phố và trên địa bàn hoạt động của chi nhánh quản lý.
Về số lượng chi nhánh, phòng giao dịch (Điều 7, Điều 30), Dự thảo thông tư quy định: Số chi nhánh tổ chức tài chính vi mô được thành lập phải đảm bảo: 1,5 tỷ đồng * N < C. Trong đó: C là giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tài chính vi mô (tính bằng tỷ đồng Việt Nam); N là số chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại các tỉnh, thành phố. Tổ chức tài chính vi mô có thời gian hoạt động dưới 12 tháng (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá 2 chi nhánh.
Bên cạnh đó, tổ chức tài chính vi mô có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá 03 chi nhánh trong 01 năm tài chính; Một chi nhánh không được quản lý quá 03 phòng giao dịch.
Trên cơ sở quy mô hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô còn hạn chế và năng lực quản trị, điều hành còn cần tiếp tục nâng cao, hoàn thiện hơn nữa, dự thảo Thông tư đã quy định hạn chế về số lượng chi nhánh được mở hàng năm và trong năm đầu thành lập nhằm đảm bảo sự phát triển hoạt động an toàn của các tổ chức tài chính vi mô; đồng thời, quy định này cũng phù hợp với giới hạn số lượng chi nhánh của các loại hình TCTD khác (ngân hàng thương mại, Ngân hàng hợp tác xã và TCTD phi ngân hàng).
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về trách nhiệm của tổ chức tài chính vi mô trong việc xây dựng kế hoạch mở mạng lưới hàng năm theo nhu cầu thực tiễn, quy mô vốn và năng lực quản trị của đơn vị (Điều 30).