Chiến lược mới cho doanh nghiệp quy mô vừa
Ngân hàng tích cực “may đo” sản phẩm cho DNNVV | |
Cho vay DNNVV có nhiều lợi điểm | |
DNNVV và khởi nghiệp đang đứng trước cơ hội lớn |
Theo báo cáo của CTCP Cơ điện lạnh REE (REE), năm 2019 REE đặt mục tiêu đạt 5.577 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,1% so với năm 2018, trong đó dự kiến doanh thu từ mảng cơ điện lạnh vẫn là chủ lực với 3.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 64,6% tổng doanh thu cả năm. Doanh thu từ mảng văn phòng cho thuê ước đạt 836 tỷ đồng, mảng điện và nước ước khoảng 772 tỷ đồng, bất động sản dự kiến đạt 369 tỷ đồng...
Theo ban lãnh đạo REE, năm nay là năm thị truờng có nhiều khó khăn, nhất là mảng kinh doanh BĐS nên mọi kế hoạch doanh thu, lợi nhuận được đặt ra một cách thận trọng. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra vẫn cho thấy nhiều mảng kinh doanh từ các công ty con của tập đoàn đang được khai thác hiệu quả và có đóng góp quan trọng. Điều này cho thấy kế hoạch mở rộng kinh doanh, nhằm khai thác tối đa các thế mạnh trong bối cảnh hiện tại đang phát huy hiệu quả.
DN quy mô vừa cần hợp tác với các đối tác giúp gia tăng nguồn lực |
Được biết, REE là một trong những công ty đã được Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam hỗ trợ thành công trong việc thực hiện các giao dịch phát hành trái phiếu lần đầu bằng VND với lãi suất cố định để huy động vốn phục vụ cho kế hoạch phát triển, mở rộng kinh doanh.
Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered, các DN quy mô vừa tại Việt Nam (doanh thu hàng năm đạt từ 10 triệu USD - 500 triệu USD) cần đưa ra những chiến lược mới, như số hóa, thiết lập quan hệ hợp tác và mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh thị trường đang chứng kiến nhiều sự thay đổi như căng thẳng thương mại, hay sự bùng nổ của các nền tảng kỹ thuật số, mô hình hoạt động của các DN quy mô vừa hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, tiêu dùng… Trong đó, nguồn nhân lực, văn hóa, công nghệ và quản lý vốn là những yếu tố then chốt hỗ trợ quá trình thực hiện những chiến lược mới này.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc tại Việt Nam và Nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và FDI dự kiến sẽ vẫn là một động lực tăng trưởng. Việt Nam là quốc gia cởi mở với hoạt động thương mại và các DN quy mô vừa trong nước có thể nắm bắt và tận dụng cơ hội này. Đồng thời, họ cần có các chiến lược đầu tư vào công nghệ và tìm kiếm các thị trường mới, điều đó sẽ giúp DN tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị. Trên thực tế, ngày càng có nhiều các DN trong lĩnh vực hàng điện tử quan tâm đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng.
Để gia tăng khả năng thành công trước những thách thức như năng suất lao động thấp (thấp hơn mức trung bình toàn cầu 65%) và việc phụ thuộc quá nhiều vào thương mại ngoại khối (thương mại ngoại khối chiếm 77% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu), các DN quy mô vừa tại Việt Nam cần áp dụng các chiến lược tăng trưởng chủ chốt.
Cụ thể là áp dụng các công nghệ mới như IoT trên nền tảng blockchain có thể giúp nâng cao năng suất lao động tại nhà máy, tối đa hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả thực thi các dự án. Các chiến lược trên nền tảng số hóa, các giải pháp bao gồm phân khúc vi mô, thực tế ảo tăng cường... có thể giúp các điểm tiếp xúc trong suốt hành trình trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa và nhắm đúng mục đích hơn. Đặc biệt là mở rộng hoạt động ra nước ngoài bao gồm các giải pháp nguồn cung ứng mới, đưa sản phẩm đến các phân khúc thị trường mới và thiết lập các mối quan hệ hợp tác có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Các chuyên gia nhận định rằng, những chiến lược này cũng sẽ giúp các DN quy mô vừa phát triển ở cấp độ cao hơn với sự hiện diện mạnh mẽ ở thị trường nội địa, mở rộng phạm vi hoạt động ra các thị trường trong khu vực để kiến tạo một giai đoạn tăng trưởng mới. Tuy nhiên, quá trình triển khai những chiến lược này đòi hỏi DN thực hiện những sự chuyển đổi từ bên trong. Việc này cũng yêu cầu nguồn nhân sự phù hợp, văn hóa tổ chức có chuẩn mực, hạ tầng công nghệ mạnh mẽ và khả năng quản lý vốn hiệu quả.
Đồng thời, để có vốn cho hoạt động đầu tư và mở rộng phạm vi kinh doanh ra các nước khác, DN quy mô vừa cần hợp tác với các đối tác như các ngân hàng quốc tế với mạng lưới kết nối hiệu quả nhằm giúp gia tăng nguồn lực từ các thị trường vốn và trái phiếu xanh, cũng như cung cấp các giải pháp quản lý dòng tiền và đưa ra các chiến lược quản lý rủi ro phù hợp.