Nỗi lo nợ công, hụt thu
Rủi ro của nợ công | |
Tìm động lực cho tăng trưởng | |
Tăng nợ trong nước, giảm dần phụ thuộc |
Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến cuối năm 2017 con số nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 62,6% GDP và dự kiến tiếp tục tăng lên ở mức 63,9% GDP vào cuối năm 2018. Năm 2016 con số này là 2,86 triệu tỷ đồng, như vậy, nợ công tiếp tục tăng lên so với năm trước. Trong khi đó, thu ngân sách 9 tháng năm 2017 mới đạt 69,5% dự toán, trong đó thu từ các khu vực DN đều rất thấp so với cùng kỳ những năm trước. Như vậy, việc ngân sách Trung ương năm 2017 có khả năng hụt thu là điều rất đáng quan tâm.
Từ áp lực đến tận thu
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cho biết, với thực trạng thu không đủ chi nên chúng ta đã tính đến giải pháp tăng thu thông qua tăng mức thuế và phí. Thực tế, có những lĩnh vực mà DN đã phải chịu từ 12 - 15 loại thuế và phí. Việt Nam là một trong những nước có nguồn thu từ người dân tính trên tổng thu nhập của xã hội rất cao so với các nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển. Nếu tính tỷ lệ thu ngân sách/GDP thì Việt Nam đang đứng ở thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc trong khu vực (theo Tổ chức kinh tế thế giới WTO, tháng 4/2017).
Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn so với Thái Lan là 16,1%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4% và Malaysia 14,3%. Với thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác. Tỷ lệ huy động thuế, phí đối với DN ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận. Và thực tế năm 2017 cho thấy, chúng ta đã áp dụng tối đa các giải pháp tận thu nhưng kết quả thu ngân sách vẫn giảm, không đủ chi.
Cần cải cách chính sách thuế hiện hành cho phù hợp |
Từ những phân tích trên cho thấy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam nên xem xét lại chính sách thuế và phí đang hiện hành, thay cho việc tận thu, “hành thu” DN sang dưỡng nguồn để làm mục tiêu quyết định cho sự ổn định và phát triển nguồn thu.
Để làm được việc này thì việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu. Đồng thời với đó cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, phí, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách.
“Nuôi dưỡng nguồn thu càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định lớn bắt đầu vào giai đoạn thực thi các quy định cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó DN Việt Nam phải cạnh tranh công bằng với DN nước ngoài, rất cần có trang bị các lá chắn về mặt pháp lý để tự bảo vệ mình, đủ tự tin bước vào môi trường cạnh tranh mới”, ông Chuẩn cho hay.
Rà soát lại chính sách thuế
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho biết, thời gian vừa qua chúng ta ban hành nhiều chính sách thu để thực hiện mục tiêu phát triển. Đến thời điểm hiện nay và giai đoạn tới, một số chính sách không còn phù hợp, nếu không muốn nói là kìm hãm phát triển.
Chính sách thu hiện nay có hai tồn tại lớn nhất là: làm mất đi nguyên tắc quan trọng nhất - tính trung lập của thuế; và làm phân tán nguồn lực nhà nước, làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN). Điều này được thể hiện ở chỗ: chính sách thu hiện nay chưa bao quát hết nguồn thu, chưa mở rộng được cơ sở thuế; chưa đảm bảo bình đẳng giữa DN trong nước và DN nước ngoài, giữa DN lớn với DNNVV; chưa quan tâm đến thành lập và phát triển DN trong nước, DNNVV. Thứ nữa là do chính sách thu hiện nay lấy dự án làm đối tượng ưu đãi nên đã tạo kẽ hở trong việc trốn thuế, lậu thuế chuyển giá và gửi giá. Không những thế, chính sách thu hiện nay mang trên mình quá nhiều chính sách xã hội làm mất đi bản chất của thuế, làm giảm nguồn thu NSNN và bị lợi dụng để trục lợi gây lãng phí nguồn lực quốc gia…
Ngoài ra, theo ông Chiểu, mức thuế suất huy động hiện nay còn nhiều bất hợp lý so với khu vực và thế giới. Các tồn tại trên được tập trung thể hiện ở thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên và các quỹ ngoài NSNN. Ông cho rằng, đây là dư địa rất lớn, nếu chúng ta khắc phục được kịp thời, chắc chắn sẽ huy động vào NSNN từ thuế, phí đạt từ 22-23% GDP trở lên và như thế chúng ta chưa cần phải điều chỉnh thuế suất huy động tăng lên.
Để giải quyết các tồn tại này, ông Chiểu cho rằng, nhà nước cần mở rộng diện đối tượng chịu thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế VAT, thuế thu nhập DN và đặc biệt là các khoản thu từ đất đai. Bên cạnh đó là sửa đổi chế độ ưu đãi với hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng theo hướng giảm các đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế suất 5% và tiến tới đưa về một mức thuế suất thay vì ba mức như hiện nay.
Điểm quan trọng khác là nhà nước cần điều chỉnh thuế suất, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa dịch vụ có lợi nhuận cao, không khuyến khích tiêu dùng hoặc nhà nước định hướng tiêu dùng. Áp dụng kết hợp thuế suất theo tỷ lệ % với thuế suất tuyệt đối cho một số mặt hàng để đảm bảo công bằng giữa các mặt hàng chịu thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời với đó là mở rộng cơ sở thuế với thuế thu nhập cá nhân, tiến tới khi người có thu nhập đều có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước và điều chỉnh mức thu phù hợp đối với nhóm thu nhập thấp. Rà soát, bãi bỏ ngay các quỹ tài chính ngoài ngân sách hình thành như một khoản thuế đặc biệt và thu ngay quỹ này về NSNN để quản lý. Điểm rất quan trọng khác là Chính phủ cần nghiên cứu trình Quốc hội sớm ban hành Luật Thuế tài sản…