Chính sách tiền tệ đã được nới lỏng hợp lý và cần thiết
Nỗ lực hoàn thành cao nhất nhiệm vụ năm 2016, tạo đà cho các năm tới | |
Việc đặt mục tiêu lãi suất chênh 2-3% với lạm phát sẽ rất khó điều hành | |
Chính sách tiền tệ: Trước bài toán cân bằng các mục tiêu |
Nội dung sơ bộ Bản báo cáo đánh giá tổng quan thị trường tài chính 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã được hé lộ tại Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính 2016, sáng 10/11/2016. Báo cáo này có trong danh mục ấn phẩm định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ được công bố vào cuối tháng 11 này.
Ảnh minh họa |
Tại báo cáo này, Ủy ban nhận định rằng “bất chấp không ít khó khăn và thách thức, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố, nền kinh tế đã thoát đáy từ quý III”.
Những phân tích trong báo cáo cho thấy tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 đã được hỗ trợ tích cực từ hệ thống tài chính với tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh. Thị trường chứng khoán tăng gần 20%; vốn hóa thị trường đạt 38% GDP so với 32,4% năm 2015; đầu tư gián tiếp tăng trên 20%.
Công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt, đồng thời tổng cầu được duy trì, trong đó cầu tiêu dùng tăng khá với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 85,8% GDP so với mức 77,3% của 2015 giúp tăng trưởng chung của nền kinh tế trở lại quỹ đạo kể từ quý 3/2016 sau những khó khăn của ngành công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp trong nửa đầu năm.
Liên quan đến hoạt động tiền tệ - tín dụng, TS. Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, Ủy ban đã áp dụng 2 hệ số để đánh giá mức độ phù hợp của tín dụng là hệ số thâm dụng tín dụng (credit intensity) và hệ số chênh lệch tín dụng (credit to GDP gap) để đánh giá áp lực của yếu tố tiền tệ đến lạm phát. Dựa trên 2 hai hệ số này, Ủy ban nhận định yếu tố tiền tệ đã được điều hành hợp lý trong năm 2016, không gây áp lực đối với lạm phát trong năm 2017.
TS. Vũ Viết Ngoạn đánh giá: “Điểm sáng trong điều hành chính sách vĩ mô 2016 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, nhân tố chủ đạo hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những vẫn đảm bảo lạm phát ổn định”.
TS.Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban cũng nhận xét: “Chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức hợp lý, M2 tăng 13,5% (cùng kỳ 2015: +10,4%) nhưng không tác động lên lạm phát và đây là sự nới lỏng cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng”. Lạm phát đã tăng cao hơn năm ngoái là do Chính phủ chủ động điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục và giá dịch vụ công; trong khi lạm phát cơ bản vẫn ổn định.
Ông cho biết thêm, tổng tài sản các định chế tài chính đạt trên 8,4 triệu tỷ đồng (188% GDP), tăng 13% so với cuối năm 2015. Tài sản các TCTD chiếm 96% tổng tài sản của hệ thống. Tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế tương đương 175% GDP, tăng 20% so với cuối 2015 (Dư nợ cho vay từ TCTD là 62,5%; cung ứng vốn từ thị trường chứng khoán là 37,5%). Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5% (tháng 12/2015 là 8,4%), lãi suất huy động khoảng 5% (tháng 12/2015 là 4,5%). Nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
Về thị trường chứng khoán, báo cáo cho biết, quy mô thị trường chứng khoán thấp hơn các nước ASEAN, mới chỉ chiếm 37,5% vốn cung ứng cho nền kinh tế trong khi các nước ASEAN là trên 50%. Thị trường bảo hiểm cũng được đánh giá tăng trưởng tốt, số vốn đầu tư trở lại nền kinh tế tăng so với giai đoạn trước.
Báo cáo dự báo, sang năm 2017 tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khá nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân. Nhờ vậy, khu vực này sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng 2017. Trong khi đó, hai ngành nông nghiệp và khai khoáng sẽ thuận lợi hơn trong năm 2017 do giá năng lượng và nông sản thế giới được dự báo phục hồi. Do đó, Ủy ban dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 có khả năng đạt mức 6,7%.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ nền kinh tế trong năm 2017 sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trước hết từ môi trường kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định: Bất ổn chính trị (trong đó có việc Anh rời Châu Âu) có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu; giá năng lượng và hàng hóa chủ chốt vẫn còn biến động thất thường; chính sách tiền tệ phi truyền thống của các nền kinh tế lớn còn có thể có dẫn đến những diễn biến khó lường đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài; thiên tai, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, dư địa chính sách hạn hẹp (nhất là trong bối cảnh nợ công tăng nhanh), nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế sẽ là những thách thức cho kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, khu vực nông nghiệp tăng trưởng chậm, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khu vực FDI, tiến trình tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực vẫn còn chậm; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng...
Trong bối cảnh đó, “ổn định tài chính” sẽ tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách, báo cáo đã nêu rõ.