Chủ động kênh dẫn vốn cho dự án BĐS
Đối với DN nói chung và DN BĐS nói riêng, nguồn lực huy động được từ các khách hàng là rất quan trọng thay vì chỉ trông chờ vào nguồn tín dụng từ các TCTD, ngân hàng.
Muốn phát triển bền vững các DN BĐS phải luôn đặt lợi ích khách hàng lên trên hết |
Tuy nhiên, muốn khách hàng yên tâm góp vốn cho DN, cùng đầu tư xây dựng, phát triển dự án thì DN phải tạo dựng được niềm tin, uy tín chất lượng, “làm thật ăn thật”. Ngoài những cam kết về chất lượng công trình, tiến độ thi công, chủ đầu tư phải có chính sách chăm sóc, hậu mãi phù hợp để người mua nhà đồng hành lâu dài với DN.
Trên thực tế, với xu hướng hội nhập hiện nay, các DN trong và ngoài nước có sự bắt tay liên doanh, liên kết để tranh thủ nguồn lực, thế mạnh sẵn có của nhau, hợp tác cùng phát triển. Các DN BĐS hiện nay rất nhanh nhạy, năng động để bám sát, làm chủ thị trường sau một thời gian tồn tại, trụ vững và phát triển qua giai đoạn thị trường khó khăn.
Trước sự thay đổi của thị trường BĐS, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Kinh doanh nhà Thủ Đức (Thuduc House) chia sẻ, chiến lược của công ty là mở rộng quỹ đất sạch, tiềm lực tài chính, liên kết, liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển nhiều loại hình BĐS phù hợp với vị thế và đón đầu xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam, ngoài ra còn để duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh; Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu khách hàng và chu kỳ của thị trường.
Hiện tại, Thuduc House sẽ tập trung vào 3 phân khúc chính tùy theo vị thế của từng dự án, đó là phân khúc căn hộ cao cấp, biệt thự, nhà thấp tầng và căn hộ trung bình. Bên cạnh đó, công ty còn hợp tác với các đối tác mạnh, các công ty liên doanh liên kết trong và ngoài nước để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tạo được nguồn tài chính dài hạn hậu thuẫn cho việc thực hiện các dự án.
Cùng với những động thái tích cực của các DN BĐS, vừa qua Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã đưa ra khuyến nghị DN BĐS xem xét lại hoạt động đầu tư, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế đang có nhiều chuyển biến. Theo đó, các DN phải quan tâm, chuẩn bị tốt được quỹ đất, dự án đầu tư, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện, tính minh bạch trong quản trị... Nhất là vấn đề chuẩn hóa hoạt động DN để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, năm 2018, thị trường BĐS được dự báo có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó vấn đề nguồn lực để tài trợ, phát triển dự án, nhất là đối với nguồn vốn vay ngân hàng đang được các DN BĐS rất quan tâm. Một khi dòng vốn tín dụng bị siết dần sẽ tạo áp lực rất lớn lên các DN BĐS.
Tuy nhiên, áp lực này cũng sẽ là động lực buộc các DN BĐS phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp để vượt qua, vươn lên để phát triển bền vững, thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Đây cũng là cơ hội để DN tái cấu trúc, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư kinh doanh, phát triển DN và thị trường BĐS theo hướng ngày càng minh bạch, lành mạnh, bền vững.
Một số chuyên gia BĐS nhận định, muốn phát triển bền vững và luôn chủ động về nguồn lực tài chính, tránh phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, các DN BĐS phải luôn đặt lợi ích khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, coi trọng công tác hậu mãi và chăm sóc khách hàng… để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định.
Ngoài ra, DN cũng cần phải tăng vốn để nâng cao nội lực, chuyển sang mô hình công ty cổ phần, với định hướng trở thành công ty đại chúng, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán để có điều kiện huy động vốn ngoài xã hội. Riêng các DN hội đủ điều kiện thì có thể phát hành trái phiếu DN, trái phiếu dự án, phát hành cổ phiếu, niêm yết chứng khoán ở nước ngoài…
Đồng thời, DN cũng có thể hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn BĐS, lựa chọn đối tác là các DN, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị…