Chưa vội hút vốn lớn
Khi FDI tăng tốc | |
Lựa chọn nào cho tăng trưởng? | |
Kết nối FDI mạnh hơn với khu vực trong nước |
Liên tục trong quý II vừa qua, 3 dự án FDI mới có số vốn lớn nhất năm (tính đến thời điểm hiện tại) đã lần lượt được cấp phép, khiến lượng vốn đăng ký mới ghi nhận mức tăng vọt. Cụ thể trong quý II/2017, có 690 dự án đăng ký mới với tổng vốn đạt 8,92 tỷ USD.
Vốn đổ mạnh vào hạ tầng
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đây là mức vốn đăng ký cao nhất trong một quý kể từ năm 2015, gấp lần lượt 3,1 lần và 1,9 lần so với quý I/2017 và quý II/2016. Lượng vốn tăng lên đến từ 2 dự án nhiệt điện là BOT Nghi Sơn (2,79 tỷ USD) và BOT Nam Định 2 (2,07 tỷ USD), chiếm 45,6% tổng vốn đăng ký, vượt công nghiệp chế biến chế tạo để trở thành lĩnh vực thu hút nhiều vốn nhất trong quý II. Tiếp đó là dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn tại Kiên Giang với 1,28 tỷ USD, chiếm 6,7% tổng vốn đăng ký trong quý II.
Ảnh minh họa |
Như vậy trong 6 tháng đầu năm nay, 3 dự án FDI đầu tư mới có vốn lớn nhất đều thuộc về lĩnh vực sản xuất điện, khai khoáng, chứ không còn là công nghiệp chế biến chế tạo như các năm trước. Nhận định về diễn biến này, GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, việc thu hút FDI vào năng lượng và sắp tới đây có thể là hạ tầng kỹ thuật đường bộ, đường sắt cao tốc, thông tin… là phù hợp với định hướng của Nhà nước.
Đối với dự án năng lượng, vừa qua Chính phủ đã cụ thể hoá chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo… thông qua các chính sách khuyến khích khá hấp dẫn. Đó là nâng giá mua điện mặt trời lên 9,35 cents/kWh và EVN ký hợp đồng mua toàn bộ điện thương phẩm của NĐT. Mặc dù đây là cơ chế dành cho năng lượng tái tạo, song NĐT nước ngoài nhận thấy sự cởi mở chung của chính sách nên đã nhanh chóng rót vốn đầu tư vào các dự án nhiệt điện.
Do đó, từ đầu năm đến nay không chỉ NĐT nước ngoài mà ngay cả NĐT trong nước đã chớp thời cơ để rót vốn vào lĩnh vực này, với hơn 10 dự án năng lượng mới chỉ trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, ông Mại cũng lưu ý rằng các dự án FDI trong lĩnh vực năng lượng đều đã trải qua thời gian nhiều năm tìm hiểu, thương lượng mới đi đến thực hiện. Vì vậy việc cấp phép là hoàn toàn nằm trong xu thế tất yếu.
FDI đang được hấp thụ hợp lý
Việc không có dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo dường như cho thấy dòng đầu tư vào công nghiệp đặc biệt công nghệ cao đang chững lại?
Trước câu hỏi môi trường đầu tư Việt Nam có phải đang mất dần sức hấp dẫn, TS. Nguyễn Mại cho rằng cần nhìn trên dài hạn. Ông Mại nhắc lại, yếu tố quan trọng nhất trong FDI không phải là vốn đăng ký mà là vốn thực hiện. Những năm gần đây tốc độ giải ngân vốn FDI khá nhanh, nhiều dự án hàng tỷ USD chỉ trong vòng 1 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư đã được đưa vào vận hành.
Riêng trong quý II vừa qua, lượng vốn giải ngân đã có dấu hiệu phục hồi so với quý I, đạt 4,1 tỷ USD và tăng 9,3%, cao hơn nhiều so với mức 3,4% của quý trước. Nhờ đó tính chung trong 6 tháng, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Mại dự đoán, năm 2017 giải ngân FDI có thể đạt khoảng 19 - 20 tỷ USD là mức hợp lý, sẽ góp khoảng 22% tổng vốn đầu tư xã hội, đồng thời giúp đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công, đầu tư trong nước, vốn ODA, qua đó đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. Tốc độ đưa vốn vào thực hiện như hiện nay, theo ông Mại là phù hợp với khả năng hấp thụ của cả nền kinh tế. Vì vậy không nên quá vội vã với việc thu hút nhanh các dòng vốn mới.
Tuy nhiên, trong dài hạn các chuyên gia cho rằng vẫn cần tiến hành đồng thời cả việc giải ngân số vốn FDI đã thu hút được nhưng đang tồn đọng, cũng như thu hút các dòng vốn mới. TS. Nguyễn Mại lý giải, thu hút vốn FDI mới nhất của các tập đoàn kinh tế quốc tế lớn là cần thiết để hình thành các ngành công nghiệp mới và dịch vụ hiện đại. Trong khi đó, giải ngân số vốn hơn 100 tỷ USD còn lại là câu chuyện thời sự để đồng thời vừa đưa vào sử dụng một số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ những năm trước, vừa loại bỏ những dự án ảo để không gây ảo tưởng từ con số thống kê vốn đăng ký hiện nay.
Định hướng thu hút vốn cụ thể trong giai đoạn tới đang là vấn đề cần cân nhắc. Năm 2017 tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài (1987-2017), Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đang triển khai tổng kết FDI để đánh giá đúng thành tựu, vấn đề, từ đó tìm ra định hướng mới trong bối cảnh trong nước DN nội đã phát triển nhanh với nhiều tập đoàn kinh tế lớn; trên thế giới FDI chuyển dịch theo hướng có lợi cho Việt Nam khi quốc gia thu hút FDI lớn là Trung Quốc đang gặp khó khăn, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầy triển vọng.
Định hướng mới cũng cần thích ứng với đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên thế giới; hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có điều kiện đi nhanh vào công nghệ tương lai như IOT, điện toán đám mây... không nên tiếp tục thu hút các dự án thâm dụng lao động, không thân thiện với môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng.