Khi FDI tăng tốc
Thu hút được 19,22 tỷ USD vốn FDI trong nửa đầu năm | |
Lựa chọn nào cho tăng trưởng? | |
ICEAW: GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% nhờ FDI và xuất khẩu |
Đầu tuần này, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố con số vốn FDI thu hút mới khá “sốc”, tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2017 đã có trên 19 tỷ USD vốn FDI đăng ký và tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo cơ quan này, lũy kế trong khoảng 30 năm thu hút FDI thì tổng vốn đăng ký đã vượt 300 tỷ USD, tức tương đương khoảng 1,5 lần GDP Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Bắt đầu ghi nhận số liệu từ năm 1988, phải đến năm 1991 vốn cam kết đầu tư từ các dự án FDI mới vượt 1 tỷ USD/năm, đến năm 2006 vượt 10 tỷ USD, đỉnh điểm là năm 2008 lên đến gần 72 tỷ USD... Nhưng, lịch sử số liệu vốn đăng ký cho thấy sự trồi sụt liên tục, đi theo xu hướng đầu tư cũng thay đổi.
Từ giai đoạn đầu với những dự án mang tính bước ngoặt về công nghệ và cam kết chuyển giao chuỗi giá trị, như Honda, Sony, Toyota… và kéo theo hàng loạt DN phụ trợ nước ngoài đầu tư tập trung vào Vĩnh Phúc, sang giai đoạn sau là hàng loạt các dự án dệt may, da giày, rồi tiếp tới là gia công lắp ráp ngành điện tử... Cho tới vài năm gần đây, lĩnh vực thu hút nhiều dự án FDI vẫn là công nghiệp chế biến chế tạo. Xu hướng đó cho thấy rõ cách nhìn của nhà đầu tư nước ngoài đối với lợi thế của Việt Nam - vẫn là nhân công rẻ và trình độ thấp.
Những cam kết con số vốn đăng ký khủng đó thực sự là ảo, bởi giải ngân mới chỉ chiếm khoảng một nửa. Mô hình dự án được thiết kế gồm đầu tư dây chuyền sản xuất, phát triển hoạt động đào tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ… thì khi thực hiện đều bị “cắt gọt” ở những giai đoạn đầu tư sau, vốn được Việt Nam kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.
Những cam kết chuyển giao công nghệ ít được thực thi, thể hiện qua việc tỷ lệ nội địa hóa còn thấp và khiến cho một số ngành công nghiệp vỡ quy hoạch, như ô tô là ví dụ. Thực tế ấy cho thấy, đi theo các con số về đầu tư nước ngoài là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế không được cải thiện nhiều. Trong khi đó, rất nhiều ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai, hỗ trợ hạ tầng… được trao cho khối DN này.
Nguy cơ những ưu đãi đang khiến các thực thể kinh tế của đất nước bị phân chia: FDI - DN trong nước. Bằng chứng cho thấy các DN trong nước không thể lớn, nhưng FDI liên tục tăng về năng lực sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu. Trong khi đó, đóng góp của khối này về giải quyết việc làm và nộp ngân sách lại tương đối thấp.
Mỗi năm đóng góp 22-25% vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 65-70% tổng kim ngạch xuất khẩu… tuy nhiên khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài lại chỉ giải quyết gần 4 triệu việc làm và nộp ngân sách từ 14-15% tổng thu mỗi năm. Câu hỏi đặt ra là các dự án FDI có đang “bòn rút” lợi ích từ Việt Nam và tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, làm méo mó môi trường kinh doanh?
Cho dù vai trò của khối DN FDI trong nền kinh tế ngày càng lớn, nhưng có lẽ đã đến lúc không nên để tồn tại một nền kinh tế đang tạo quá nhiều điều kiện cho DN FDI phát triển. Trong khi đó, các DN trong nước là nền tảng của nền kinh tế, có khả năng tạo ra năng lực cạnh tranh trong hội nhập lại chịu nhiều rào cản, khó khăn và hiện rất “khó lớn”.
Cùng với xu hướng gia tăng đầu tư FDI lúc này, cần siết lại chất lượng dự án, đảm bảo các nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện đúng cam kết về quy mô phát triển và chuyển giao công nghệ. Và đã coi DN FDI là DN Việt Nam, thì họ cũng phải được đối xử bình đẳng như các loại hình DN khác, từ thuế đóng góp vào ngân sách cho đến khả năng tiếp cận các hạ tầng kỹ thuật...