Chứng khoán 2016 đã qua cơn bĩ cực?
Chứng khoán sẽ tăng từ giữa quý I | |
Thị trường chứng khoán: Hoàn thiện khung pháp lý | |
Thị trường chứng khoán năm 2016: Cung tăng mạnh nhờ cổ phần hóa, thoái vốn |
Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2015 kết thúc không có nhiều đột phá. Trái với nhiều dự báo về một mức tăng lạc quan 10-15%, VN-Index kết thúc cả năm chỉ tăng 6%. Diễn biến đáng chú ý nữa là chỉ trong tháng 12/2015, thanh khoản trên hai sàn giao dịch giảm 20,9%, trong khi khối ngoại tiếp tục bán ròng 2.058 tỷ đồng. Với kết quả năm cũ, nhiều người cho rằng nhà đầu tư (NĐT) đã cạn tiền, đồng thời cơ hội đầu tư năm mới không nhiều.
Tiền không thiếu
Khác với giai đoạn 2013-2014, thị trường tăng trưởng trên diện rộng và dòng tiền dễ bỏ qua những cổ phiếu giá trị nhưng có thanh khoản kém và ít biến động, thì trong không gian “chập choạng” của năm 2015, dòng tiền đã có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành và cổ phiếu. Trong đó, những câu chuyện lợi nhuận bất thường, phát hành tăng vốn để đầu tư dự án… đã không thể đưa nhiều cổ phiếu “nóng” đi xa.
Nhưng theo nhận định của giới chuyên môn nói rằng, “NĐT cạn tiền” là không chính xác. Thậm chí lúc này đây, NĐT không chỉ còn tiền mà còn rất nhiều tiền và sẵn sàng đầu tư vào những thương vụ đình đám. Khi chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các DN được cơ quan chủ quản tích cực triển khai, hoạt động M&A được đẩy mạnh… NĐT có nguồn vốn dồi dào đang chờ đón.
Bước sang năm 2016, tâm lý e ngại của NĐT đã được gỡ bỏ |
Bằng chứng là, ngày 25/12/ 2015, hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) được khớp lệnh trên sàn UPCoM chỉ trong vòng 30 phút sau khi mở cửa, một kỷ lục của TTCK được thiết lập. Số lượng cổ phiếu này là của Bộ Công Thương, đơn vị chủ quản của Gelex đăng ký bán ra.
Trước đó, Bộ này dự kiến bán thỏa thuận hoặc khớp lệnh toàn bộ trên 122 triệu cổ phần GEX, tương đương 78,74% vốn điều lệ công ty trong thời gian từ 25/12/2015 đến 22/1/2016. Với việc phần lớn các lệnh khớp tại mức giá 17.700-17.800 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị mà bên bán thu được lên tới 2.100 tỷ đồng.
Hay vào hôm 22/12, Thaigroup cũng đã thắng trong phiên đấu giá trọn lô 3,65 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 52,43% vốn tại Công ty Du lịch Kim Liên. Đó là một phiên đấu giá có tới 36 NĐT đăng ký tham dự với tổng khối lượng đăng ký mua lên tới hơn 131,3 triệu cổ phần, cao gấp vài chục lần so với tổng khối lượng chào bán...
Giới chuyên gia nhìn nhận, trong xu hướng đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại DN, những ngày tới, thị trường sẽ còn chứng kiến nhiều phiên bán đấu giá mang tính “kỷ lục” như thế. Như vậy, rõ ràng dòng tiền đầu tư vào TTCK đến từ các tổ chức lẫn cá nhân trong nước vẫn còn rất lớn, dư sức hấp thụ các cổ phiếu tốt do hoạt động đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và thoái vốn đem lại.
Vấn đề thanh khoản cạn kiệt và sự khó khăn trong việc đi lên của các chỉ số hiện nay, như vậy, không phải do NĐT không còn tiền mà do những kỳ vọng năm 2015 không như mong đợi. Sự xuất hiện của một bức tranh vĩ mô với nhiều điểm sáng tối đan xen là nguyên nhân chính khiến các chỉ số không thể thoát khỏi xu hướng đi ngang trong một năm vừa qua.
Cơ hội năm mới
Tuy nhiên, bước sang năm 2016, tâm lý e ngại của NĐT đã được gỡ bỏ. Bởi lúc này đây, các báo cáo về kết quả kinh doanh của DN niêm yết cho thấy, những cổ phiếu có mức tăng giá đáng kể trong năm 2015 đều được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng tích cực về doanh thu và lợi nhuận của DN. Trong dòng chảy đó, nhóm cổ phiếu ngành ô tô, vận tải, xây dựng và vật liệu xây dựng là những điển hình sinh động.
Ngoài ra, những năm gần đây TTCK có chung một kịch bản, đó là khi chuyển từ năm cũ sang năm mới, VN-Index lại “thẳng tiến”, có năm chỉ số còn tăng mạnh ngay từ cuối tháng 12 năm trước. Nguyên nhân của hiện tượng này, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều TTCK nước ngoài cũng vậy, là tháng 12 ít có tin “sốc”, còn sang năm mới thì ngược lại, nhiều kỳ vọng được đặt ra…
Như vậy, cơ hội bật lên của thị trường vào đầu năm mới là có thể. Nhất là khi triển vọng kinh doanh sáng hơn đang đến từ các hiệp định thương mại đã và sắp được ký kết. Cũng trong xu hướng đó, những DN niêm yết đầu ngành và có nền tảng cơ bản tốt sẽ tiếp tục được hưởng lợi. NĐT theo “trường phái tăng trưởng” sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi tập trung vào các ngành dịch vụ phục vụ trực tiếp cho quá trình phát triển hạ tầng như xây dựng, xây lắp theo dự án, công nghệ, tiện ích công cộng, kho vận - logistics…
Song song với đó, chiến lược đầu tư “ngược xu thế” dành cho những NĐT giá trị, với khả năng chịu đựng rủi ro cao và khung thời gian đầu tư dài, vẫn có thể áp dụng được đối với những nhóm ngành đang ở đáy của chu kỳ kinh doanh như dầu khí và nguyên liệu cơ bản.
Một yếu tố nữa cũng đem động lực rót vốn cho NĐT khi bước sang năm 2016 là các văn bản hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 118 (nới room cho khối ngoại) sẽ sớm được giải quyết, tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường. Ngay từ đầu năm mới, việc áp dụng thời gian T+2 đã đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển tiền và cổ phiếu. Rồi các kết quả kinh doanh quý IV/2015 và cả năm của DN niêm yết lần lượt được công bố sẽ khiến dòng tiền đổ vào cổ phiếu của các DN đạt kết quả tích cực.
Dự kiến, tháng 1/2016 là giai đoạn mà thị trường sẽ có sự phân hóa rõ rệt hơn giữa các cổ phiếu có yếu tố cơ bản hỗ trợ và những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh chưa rõ ràng. Hay nói cách khác, những cổ phiếu đang trong xu hướng tăng sẽ tiếp tục tăng giá và bứt khỏi mặt bằng chung. Do vậy, chọn lọc cổ phiếu trong giai đoạn này vẫn quan trọng hơn là dự báo xu thế thị trường.
Có điều, NĐT cũng cần lưu ý rằng tính chu kỳ không hề tồn tại trong chuỗi tăng hoặc giảm giá của một cổ phiếu hay điểm số của TTCK. Nhiều năm liền, thị trường tăng điểm vào dịp đầu năm không có nghĩa là tháng 1/2016 cũng sẽ tăng điểm. Đồng thời, giá của một hay một nhóm cổ phiếu, cũng như các chỉ số, có thể bị chi phối bởi thông tin tích cực hay tiêu cực liên quan.
Và quan trọng hơn, những vấn đề của kinh tế vĩ mô vẫn còn khá bất ổn, với nỗi lo nợ công và năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh kém của DN trong nước. Khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực, những bất ổn này đứng trước rủi ro sẽ bộc lộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho nền kinh tế.