Thị trường chứng khoán năm 2016: Cung tăng mạnh nhờ cổ phần hóa, thoái vốn
Sẵn sàng cho cơ hội mới | |
Bất động sản và NH sẽ dẫn dắt VN-Index | |
Sẽ có nhiều chuyển động mới | |
Cổ phiếu ngành gỗ sẽ như thế nào? | |
Biến thách thức thành cơ hội |
Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư (NĐT) có thêm nhiều lựa chọn, mà còn giúp thị trường gia tăng về thanh khoản và quy mô vốn.
Đánh giá dòng tiền nội trên thị trường năm 2016 này, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, đây là yếu tố khó lượng hóa do phụ thuộc vào nhiều yếu tố vĩ mô cũng như tâm lý của TTCK. Tuy nhiên, từ phía NĐT trong nước khả năng đột biến về dòng tiền vào TTCK năm 2016 là không cao, đặc biệt khi các yếu tố vĩ mô, tâm lý diễn biến không thuận lợi.
Ảnh minh họa |
Mặc dù vậy, đối với dòng tiền NĐT nước ngoài, xét trên thị trường niêm yết, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng của xu thế chung, nhưng số liệu cho thấy rõ xu hướng khối này đang giao dịch tích cực ở Việt Nam, vẫn duy trì mua ròng trong điều kiện TTCK toàn cầu khá xấu. Lạc quan hơn một chút là dòng tiền mua bán, sáp nhập (M&A) năm 2015 đã vào mạnh hơn giai đoạn trước đó.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Mua bán sáp nhập và liên kết (IMAA) thì thị trường M&A tại Việt Nam đạt giá trị 3,8 tỷ USD với gần 400 thương vụ dự kiến được công bố trong năm 2015, tăng mạnh so với 2,8 tỷ USD của năm 2014. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ góp phần mở ra một môi trường thân thiện hơn cho các NĐT và làn sóng M&A thứ hai đang được kỳ vọng sẽ rất mạnh mẽ.
“Dù không ai có thể chắc dòng tiền được giải phóng từ các vụ M&A quay lại TTCK niêm yết như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ có tác động tích cực gián tiếp và trực tiếp đến dòng tiền của NĐT nước ngoài trên thị trường niêm yết”, BSC cho hay.
BSC khẳng định, trong năm 2016 này, cung cổ phiếu sẽ tăng cùng hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa và phát hành tăng vốn của DN. Cụ thể hơn, theo kế hoạch cổ phần hóa DN Nhà nước giai đoạn 2011-2015, dự kiến cổ phần hóa 527 DN, tính đến tháng 12/2015, cả nước mới thực hiện được 397 DN. Như vậy, còn khoảng 130 DN sẽ cổ phần hóa theo kế hoạch này. Thêm vào đó, lượng DN sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến cũng vào khoảng 500.
Song song với đó, việc quy định rõ ràng, minh bạch cũng đang đẩy nhanh quá trình niêm yết/đăng ký giao dịch của các công ty trên sàn chứng khoán. Trong năm 2015 có 72 công ty niêm yết trên UPCoM, tăng gấp 2 lần so với năm 2014. Các cổ phiếu niêm yết mới giúp vốn hóa thị trường UPCoM tăng 97% so với năm 2014. Với 243 mã cổ phiếu niêm yết trong đó có nhiều công ty quy mô lớn và đạt vốn hóa 47,5 nghìn tỷ đồng.
BSC cho rằng, lượng cung cổ phiếu sẽ tăng cùng với tốc độ cổ phần hóa và thị trường UPCoM sẽ gia tăng quy mô thu hút NĐT trong năm 2016. Điều này cũng khiến nguồn cung cổ phiếu trên TTCK tiếp tục tăng trong năm 2016.
Cùng với đó, công ty này cũng nhìn nhận, việc thoái vốn Nhà nước sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2016. Chính phủ đã có nhiều văn bản mang tính chất bước ngoặt cho hoạt động thoái vốn trong năm 2015 và sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa từ năm 2016. Hoạt động này sẽ cung cấp một khối lượng lớn cổ phiếu cho thị trường, gia tăng nhanh thanh khoản cho thị trường, tăng hiệu quả nền kinh tế trong dài hạn.
“Nhưng trong ngắn hạn, cung cổ phiếu dù là niêm yết hay OTC đều ảnh hưởng đến dòng tiền trên TTCK, do vậy quá trình này cần thiết phải đi kèm với việc thu hút thêm các dòng vốn đầu tư từ khối tư nhân và NĐT nước ngoài”, BSC lưu ý.
Nếu như hai yếu tố tăng cung nói trên chủ yếu liên quan đến DN Nhà nước, thì việc TTCK khá sôi động những năm gần đây khiến các DN niêm yết đẩy mạnh phát hành tăng vốn. Theo số liệu tổng kết của UBCKNN thì quy mô tăng vốn và cổ phần hóa 2014 và 2015 ở mức từ 23.000 đến 24.000 tỷ đồng. Năm 2015, xét về quy mô và mức độ thì ít có những trường hợp tăng vốn quá nhanh và mạnh như FIT, FLC, HAI, GTN, TSC… Theo BSC, NĐT cũng cần thận trọng hơn với kế hoạch tăng vốn của các DN.