Chuyển đổi số: Vấn đề sống còn đối với mỗi DN, quốc gia
Hành trình số và cơ hội mới cho ngành Ngân hàng | |
Xu hướng phát triển ngân hàng mới: Những thách thức nào cần hoá giải | |
Kỷ nguyên số hoá: Cần bước đi bài bản, phù hợp |
Theo Đề án Chuyển đổi số quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội cho nền kinh tế khi chuyển đổi số như thoát bẫy thu nhập trung bình, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Vì vậy, mục tiêu của đề án là đưa Việt Nam trở thành quốc gia số và là một nền kinh tế hàng đầu trong khu vực, nơi thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Trong đó, người dân, DN là trung tâm; phát triển DN công nghệ số Việt Nam làm động lực thúc đẩy chuyển đổi số.
Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, phấn đấu đến năm 2025, Vietcombank sẽ là số một về ngân hàng số tại Việt Nam, đặt mục tiêu lợi nhuận 2 tỷ USD. Để thực hiện được mục tiêu này, hiện nay, việc chuyển đổi sang ngân hàng số là ưu tiên hàng đầu của Vietcombank.
Số hóa trong sản xuất là tất yếu |
“Năm 2019 được lấy là năm thực hiện ngân hàng số của Vietcombank. Chúng tôi đã nhờ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi ngân hàng số trên thế giới đến hỗ trợ. Đến nay, Vietcombank đã quyết định được mô hình ngân hàng số cho mình; sau đó sẽ quyết định về cơ cấu tổ chức, chính sách thực hiện liên quan để đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng, đa dạng kênh bán hàng, giảm chi phí hàng năm và tăng hiệu quả cho ngân hàng, đặc biệt là nâng cao trải nghiệm của khách hàng”, ông Tuấn chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cũng cho hay, mục tiêu của ngân hàng số là đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng, ví dụ người dùng có thể mở tài khoản ngân hàng ở bất cứ đâu thay vì bắt buộc phải ra ngân hàng. Các DN sẵn sàng đi đầu, tuy nhiên điều quan trọng là cần có cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới.
Ông cũng nhấn mạnh: “Muốn chuyển đổi số thành công, thực hiện cuộc CMCN 4.0 thành công thì thể chế, con người, công nghệ đóng vai trò quyết định. Với DN, chúng tôi mong thể chế đi trước một bước, tạo khung pháp lý để DN thực thi. Các DN nền tảng về công nghệ, tài chính - ngân hàng sẵn sàng đi đầu, và rất cần cơ chế, cần môi trường kinh doanh bình đẳng”. Bên cạnh đó, cùng với thể chế, Nhà nước cũng cần hỗ trợ DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, cộng đồng DN cũng cam kết nỗ lực cùng nhau chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng chỉ cần Nhà nước đồng hành, hỗ trợ cùng DN. Hiện nay, cộng đồng DN công nghệ thông tin Việt Nam chưa thực sự lớn. Làm thế nào để không chỉ tăng về số lượng mà phải vượt trội về chất lượng. Giờ đây, các startup có thể dùng công cụ nền tảng để ứng dụng và giúp mình lớn lên", ông Chính nói.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của DN. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một DN hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng. |
Tại Diễn đàn Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam năm 2019 mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam phải thực hiện mục tiêu của chuyển đổi số trên với tâm thế của một nước đi sau, và vì thế, nên muốn vượt lên thì phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần.
Để chuyển đổi số thành công, Phó Thủ tướng cho rằng, quan trọng nhất là phải vượt lên chính mình, vượt lên khỏi tư tưởng cát cứ cục bộ, tình cảm định tính... Tức là sẵn sàng thay đổi nếp nghĩ mà từ trước đến nay đã trở thành thói quen.
Đồng thời, ông cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải tập trung xây dựng môi trường pháp lý cần thiết cho chuyển đổi số.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đề án nêu rõ mục tiêu là đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ.
Đáng chú ý nhất, Đề án đặt ra việc thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh CMCN 4.0, đáp ứng yêu cầu quản lý và thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Đây là một tin vui với cộng đồng DN Việt Nam, kỳ vọng quá trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ được thực hiện nhanh chóng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển lớn mạnh.