Có nhất thiết phải đạt GDP bằng mọi giá?
Từng ngành, từng lĩnh vực phải phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% | |
WB: Việt Nam cần tập trung cải thiện tài khóa | |
Nếu khai thác dầu bằng năm ngoái thì tăng trưởng sẽ cao hơn |
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chiều ngày 25/5, các đại biểu Quốc hội ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành, địa phương nhưng đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại yếu kém cần có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới.
GDP thấp nhưng bền vững
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, điểm khá quan trọng là năm 2016 chúng ta vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là tăng trưởng kinh tế của năm 2016 và Quý I/2017 ở mức thấp, nguyên nhân do đâu và cần giải pháp gì? Về vấn đề này, đại biểu Phạm Quang Thanh cho rằng, công tác dự báo đang cho thấy sự chưa chuẩn xác. Chẳng hạn như, tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt như kế hoạch và năm 2017 cũng rất khó đạt mục tiêu 6,7%.
Lưu ý thêm hệ quả khi GDP không đạt được mục tiêu, ông Thanh cảnh báo những ảnh hưởng tới các kế hoạch tài chính khác là nợ công, bội chi ngân sách… Vì vậy theo ông, Chính phủ cần lưu ý khi đánh giá sát về tăng trưởng để có thể quản trị rủi ro tốt hơn.
GDP là mục đích hướng tới chứ không phải con số cố định bằng mọi giá phải đạt được |
Cùng quan điểm, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, thì GDP thấp hơn kế hoạch nhưng không nên quá sốt sắng để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Bởi theo ông, năm 2016 mặc dù GDP tăng 6,21%, thấp hơn mục tiêu, nhưng trong số 6 chỉ tiêu đạt được tốt hơn có chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đạt 3,02%, số báo cáo Quốc hội là 3,42%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 81,8%, số báo cáo là 80-81%… Ngoài ra, các chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội cũng đều đạt và vượt. Điều đó chứng tỏ tăng trưởng kinh tế của chúng ta theo hướng đi vào chất lượng và bền vững, ông Cường nhìn nhận.
Về mức tăng GDP quý I năm nay chỉ đạt 5,1%, đi vào phân tích nguyên nhân, ông Cường cho rằng, do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%. “Theo tôi, nguyên nhân là theo trạng thái, mô hình tăng trưởng”, đại biểu Cường nêu vấn đề.
Trước đây chúng ta đang ở trong một mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư về vốn và khai thác tự nhiên. Nay, chúng ta chuyển sang mô hình tăng trưởng mới là không dựa vào 2 nguồn lực này thì ngay lập tức tốc độ tăng trưởng không thể nào được như trước. “Giữ được nhịp độ tiến chậm như thế này cũng đã là thành công”, ông Cường đánh giá.
Ngoài các nguyên nhân trên, khi phân tích về việc GDP tăng thấp, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, cũng có nguyên nhân từ việc kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào gia công; cơ cấu kinh tế chưa chuyển biến rõ rệt, xuất khẩu chủ yếu là công nghiệp khai khoáng. Trong năm 2016, chúng ta có hơn 100 nghìn DN mới và 4 tháng đầu năm 2017 có 39.580 DN thành lập mới.
“Tuy nhiên, DN đăng ký mới nhiều nhưng thu ngân sách giảm đi, cho thấy chất lượng DN còn yếu, hàng hóa có giá trị gia tăng thấp”, ông Bình băn khoăn và cho rằng, mặc dù Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng đó là giải pháp truyền thống chưa có đột biến để thực hiện tăng trưởng GDP tốt hơn làm đà cho các năm sau với các giải pháp cụ thể hơn.
Khuyến nghị giải pháp
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cũng đưa ra hàng loạt gợi ý trong điều hành kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó cần tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư cần đúng kế hoạch. Nên xem xét, rà soát lại các chính sách, xem chính sách nào có hiệu quả, hiệu lực thì đẩy mạnh thực thi với các giải pháp cụ thể, đồng thời thành lập các tổ công tác vào từng lĩnh vực. Ví dụ, với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, phải có tổ công tác chỉ đạo sát sao hơn nữa, giải ngân các dự án theo đúng kế hoạch...
Về tín dụng NH, ông Bình cho rằng, ngành NH cần tính toán giảm lãi suất trung dài hạn để kích thích sản xuất phát triển; kiểm soát vốn vào lĩnh vực bất động sản, tập trung tín dụng vào khu vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.
“Cần tiếp tục thúc đẩy kinh tế tư nhân, thu hút vốn khu vực tư nhân tốt hơn, bởi sử dụng vốn của khu vực tư nhân hiệu quả hơn”, đại biểu Phạm Quang Thanh đề xuất và cho rằng chúng ta cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, DNNN lớn, nhưng nguồn thu từ cổ phần hóa đó phải sử dụng thế nào cho hiệu quả thì cần tính toán. Bởi chúng ta đang bán những DN là “máy in tiền” thì phải đầu tư vào đâu cho hiệu quả để tiếp tục “đẻ ra tiền”. Ở đây là công tác giám sát sử dụng vốn từ ngân sách có vai trò quan trọng.
Cũng đề cập tới giải pháp tăng trưởng, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá cao quyết tâm chính trị của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017. Điều này thể hiện ngay cuối ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 3, Thủ tướng đã triệu tập các thành viên Chính phủ để bàn sâu các giải pháp thực hiện tăng trưởng kinh tế. “Quyết tâm của Chính phủ tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng cần nhận thức lại, GDP là mục đích hướng tới chứ không phải con số cố định bằng mọi giá phải đạt được. Nhưng để đạt con số 6,7%, chúng ta tính chuyện khai thác thêm dầu, khai thác thêm mỏ…”, ông Vân chia sẻ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu tăng khai thác dầu khí cũng là giải pháp tốt cho tăng trưởng nhưng giá dầu phải tăng lên thì mới hiệu quả, nếu không khi chi phí khai thác tăng, giá dầu thấp thì lại không hiệu quả. Ông Cường cũng đề nghị thêm giải pháp để hỗ trợ DN, tạo tăng trưởng là cần phải xử lý được nợ xấu mà lần này Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD. Nếu xử lý được nợ xấu sẽ giúp tăng trưởng tín dụng hiệu quả hơn, tăng vốn đầu tư cho xã hội. Nhưng khi tăng tín dụng cũng phải lưu ý tới cung tiền để hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát.