Cổ phiếu ngân hàng: “Điểm đến” hấp dẫn
Chứng khoán sáng 21/3: Dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng | |
Chọn cổ phiếu ngân hàng nào? | |
Cổ phiếu ngân hàng: Năm của kỳ vọng |
Những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu NH luôn nằm trong top các cổ phiếu tăng điểm tốt thậm chí là dẫn dắt thị trường. Đâu là yếu tố giúp cho cổ phiếu NH có dấu hiệu khởi sắc tích cực như vậy.
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, bà Nguyễn Thu Hà – chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cho biết có nhiều điểm cộng cả về chính sách lẫn thị trường giúp cổ phiếu NH đang tạo sức hút đối với nhà đầu tư (NĐT).
Bà có thể cho biết cụ thể hơn?
Từ đầu năm đến nay có nhiều chính sách hỗ trợ thuận lợi cho NH như Quyết định số 2509/QĐ-NHNN của NHNN về việc nâng tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) từ 80% lên 90% đối với nhóm ba NHTMCP do Nhà nước nắm quyền chi phối. Thời hạn áp dụng hệ số CAR theo quy định mới của Basel II được lùi lại đến năm 2020. Đầu năm nay, Thủ tướng có đề cập đến vấn đề nới room cho NĐT ngoại… Các chính sách trên tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu NH.
Ảnh minh họa |
Dòng tiền chảy mạnh hơn vào nhóm cổ phiếu NH khi một số chỉ số liên quan đến kết quả kinh doanh khả quan của khối này được công bố, như trong quý I/2017 tăng trưởng tín dụng của hệ thống ước đạt 2% cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước… Nên NĐT kỳ vọng kết quả kinh doanh của các NH được cải thiện nhiều hơn trong năm nay giúp NH có thêm nguồn tài chính để giải quyết nợ xấu. Ngoài ra, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của một số NH niêm yết như VCB, MBB, CTG, ACB… tiếp tục tốt. Bên cạnh đó, còn có thêm thông tin tích cực hơn như ACB trong năm 2017 sẽ giải quyết nốt những tồn đọng liên quan đến bầu Kiên…
Một số NH có kế hoạch sẽ lên sàn trong năm nay. Theo đánh giá của bà việc lên sàn của các NH có thuận lợi không?
Năm nay, có một số NH dự kiến sẽ lên sàn như VPBank, Techcombank, KienLongBank,… Theo quan điểm của tôi, sẽ có sự phân nhóm. NH tốt như Techcombank, VPBank… thì cầu vẫn tốt, còn những NH quy mô nhỏ hơn sẽ khó hơn một chút. Làn sóng NH niêm yết vừa giúp các NĐT có nhiều lựa chọn hơn vừa giúp cho ngành NH ngày càng minh bạch hơn.
Theo bà, cổ phiếu NH có tiếp tục tạo sức hút lớn hơn đối với NĐT cả trong và ngoài nước?
Mấy năm trước đây, các NĐT cả trong nước và nước ngoài chưa rõ tình hình sức khỏe của từng NH, những vấn đề liên quan đến nợ xấu, tái cơ cấu cũng không hoàn toàn được minh bạch nên họ rất e dè khi đầu tư vào NH. Nhưng bây giờ, những vấn đề này công khai, minh bạch và đang dần được giải quyết. NĐT có được thông tin cần thiết đánh giá chính xác hơn sức khỏe của từng NH. Bên cạnh tăng cường minh bạch tài chính, quản trị rủi ro tại các NH cải thiện hơn.
Theo tính toán của BVSC, trường hợp kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức trung bình thì lợi nhuận của các NH đang niêm yết cũng tăng khoảng 16,5%. Còn nếu tăng trưởng tín dụng tốt thì lợi nhuận các NH này có thể lên tới khoảng 19%. NIM của NH cũng nhích nhẹ khoảng 0,05% hỗ trợ thêm phần nào cho lợi nhuận NH. Đây là những yếu tố thu hút sự quan tâm của NĐT trong và ngoài nước đối với các cổ phiếu NH, nhất là các ngân hàng top đầu. Thực tế, trong những phiên gần đây, NĐT nước ngoài tăng mua các cổ phiếu NH.
Tuy nhiên, để tăng sức hút đối với NĐT hơn, tôi cho rằng, năm 2017 là năm khởi động Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 - 2020, thị trường kỳ vọng Chính phủ, NHNN tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho NH. Về phía các NH cũng vẫn tiếp tục phải xử lý các khoản nợ xấu, nhất là khoản nợ xấu bán cho VAMC cần được xử lý dứt điểm. Việc tăng vốn dù đã được NHNN giãn ra đến năm 2020 nhưng bản thân các NH vẫn phải có kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới.
Theo ước tính của BVSC, trong khoảng 2 – 3 năm tới nhu cầu vốn đối với các NH đang niêm yết sẽ khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng. Với thông tin tích cực đang có như hiện nay, tôi nghĩ rằng cổ phiếu NH có thể là một điểm đến tốt để đầu tư.
Xin cảm ơn bà!