CPI năm 2015 chỉ tăng 0,6% thấp nhất kể từ năm 2002
Giá xăng dầu giảm mạnh kéo CPI năm 2015 chỉ tăng ở mức rất thấp |
Mặc dù trong tháng có tới 7/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá, song mức tăng là không lớn. Tăng cao nhất là nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,50% do giá gas tăng 5,38% so với tháng 11, cộng thêm giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng.
Đứng thứ hai về mức độ tăng là nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32% chủ yếu do yếu tố mùa vụ khi thời tiết đã chuyển sang mùa đông nên nhu cầu đối với nhóm hàng này tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI – đứng thứ ba với mức tăng 0,16%. Trong đó lương thực tăng 0,45% do các thương nhân thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu sang Indonesia và Philippine; thực phẩm tăng 0,13% do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào tháng cuối năm chuẩn bị hàng Tết tăng cao; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,09%.
Cũng có mức tăng 0,16%, với nhóm đồ uống và thuốc là cũng chủ yếu do yếu tố mùa vụ.
Ba nhóm còn lại là Giáo dục, Thuốc và dịch vụ y tế, Hàng hóa và dịch vụ khác chỉ tăng từ 0,04 – 0,15%.
Trong khi đó trong tháng cũng có 4 nhóm hàng hóa dịch vụ giảm giá. Đứng đầu về mức giảm là nhóm giao thông, giảm 1,57%, chủ yếu do tác động của hai đợt giảm giá xăng dầu ngày 18/11 và 3/12 cũng như cước vận tải giảm.
Ba nhóm còn lại và Bưu chính viên thông, Văn hóa - giải trí và du lịch, Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm nhẹ từ 0,03 – 0,1%.
Với diễn biến giá cả tháng 12 như vậy, tính chung cả năm 2015 CPI mới tăng 0,6% thấp nhất kể từ năm 2002 đến nay. Tính bình quân năm 2015 so với năm 2014, CPI cũng chỉ tăng 0,63%.
Với hai nhóm hàng hóa đặc biệt là vàng và đôla Mỹ, trong tháng 12 chỉ số giá vàng giảm 2,80% so với tháng trước và giảm 4,97% so với cuối năm 2014; trong khi chỉ số đôla Mỹ tăng tương ứng là 0,69% và 5,34%.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI năm 2015 chỉ tăng ở mức thấp như vậy là do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh. Bên cạnh đó giá các mặt hàng thiết yếu khác trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh như giá chất đốt, sắt thép... Trong khi trong nước nguồn cung về lương thực, thực phẩm khá dồi dào; Mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan không thể không nói tới nỗ lực điều hành của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động.
Đặc biệt theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2012 đến nay, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế và kiểm soát lạm phát của Chính phủ, NHNN Việt Nam đã điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán (M2) vẫn giữ tốc độ tăng ở mức hợp lý hơn giai đoạn trước, nhờ vậy chỉ số lạm phát cơ bản có xu hướng giảm dần và ổn định, năm 2015 lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,05% so năm trước.
Hiện tại lạm phát chung thấp hơn lạm phát cơ bản, điều này không phải do tổng cầu giảm mà hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm đó là giá hàng hóa năng lượng và thực phẩm giảm, biến động của lạm phát chung phụ thuộc vào diễn biến giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng Nhà nước quản lý chứ không xuất phát từ lạm phát cơ bản.
“Chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát cơ bản và lạm phát cơ bản ở mức 2%-3% như hiện nay là mức cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả điều hành của NHNN khi NHNN Việt Nam đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Theo đó, năm 2015 vừa qua tỷ giá được điều chỉnh 3% vào ngày 7/1/2015, ngày 7/5/2015 và ngày 19/8/2015, biên độ giao dịch tỷ giá cũng được tăng lên (+/-)3% nhằm ổn định thị trường ngoại hối, ứng phó kịp thời với tình hình biến động của thị trường tài chính của các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam và hỗ trợ xuất khẩu. Giá vàng trong nước biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế - xã hội. Chỉ số lạm phát cơ bản có xu hướng ổn định, năm 2015 lạm phát cơ bản tăng 2,05% so cùng kỳ. |