Da giày Việt chật vật ở thị trường nội
Ảnh minh họa |
Tại Shop giày Khánh Hội (quận 4, TP. Hồ Chí Minh) có trên 200 mẫu mã, chủng loại giày, dép, túi xách làm từ chất liệu da, giả da, simili, da PU (nhựa tổng hợp)… Giá bán tùy theo chất liệu từ 250.000 đồng – 450.000 đồng/đôi giày nam nữ.
So sánh chất lượng giày từ làng nghề nổi tiếng này với giày xuất khẩu bán tập trung tại khu vực đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh), hay các điểm bán giày dép nổi tiếng khác (đường Nguyễn Trãi, quận 5), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… thì thấy, giày Khánh Hội không hề thua kém về chất lượng, mẫu mã, nhưng giá bán rẻ hơn từ 20% - 30%.
Bà Nguyễn Thị Hoa, ngụ tại đường Lê Văn Sỹ (quận 3) cho rằng, bà chọn việc đi xa đến quận 4 để tìm mua giày Khánh Hội, ngoài thói quen sử dụng từ vài chục năm nay theo gu xưa của người Sài Gòn, còn vì giá cả tại đây gần như ổn định, từ năm này qua năm khác, tăng cao lắm là vài chục nghìn. Người bán lại là người trực tiếp sản xuất nên chất lượng giày dép gần như không đổi qua thời gian.
Những dịp cuối năm, bà Hoa còn đặt hàng cả trăm đôi giày, dép để gửi tặng biếu người thân ở nước ngoài. So sánh về chất lượng thì giày thủ công không thua giày xuất khẩu, giá cả lại rẻ hơn.
Theo chị Lưu Tuyết Ngân, chủ shop giày Khánh Hội thì khách mua giày đóng phần lớn là ở phân khúc thu nhập trung bình, hoặc lớn tuổi. Còn khách hàng là nhân viên văn phòng, giới trẻ sành điệu ưa chuộng hoặc là giày dép xuất khẩu, hoặc hàng hiệu ngoại, bất chấp giá cả đắt đỏ hơn rất nhiều.
Thậm chí, rất nhiều shop thời trang đến đây đặt hàng về bán lại với thương hiệu của shop, chứ rất ít khách trẻ, khách mới đến tận đây mua giày dép, túi xách. Vì vậy, giày Khánh Hội cũng chỉ duy trì nghề gia truyền chứ không thể phát triển mạnh mẽ.
Ở lĩnh vực xuất khẩu, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), da giày là ngành công nghiệp có lợi thế của Việt Nam. Năm 2017 tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày có thể đạt 17,8 tỷ - 18 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ ba (sau Trung Quốc và Ấn Độ) trong số các nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới. Một số thị trường nhập khẩu giày của Việt Nam là quốc gia nổi tiếng về da giày như Italy. Ngành giày da Việt Nam hiện có lao động kỹ thuật cao, năng lực thiết kế, sản xuất đủ tiềm lực cạnh tranh tầm quốc tế.
Tuy vậy, ở thị trường nội hàng Việt vẫn còn khá chật vật. Mỗi năm thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 190 triệu đôi giày dép, nhưng sản phẩm của DN trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50%, còn lại khoảng trống 50% là cho hàng Trung Quốc ở phân khúc bình dân, hàng Thái Lan ở phân khúc trung cấp và một phần nhỏ là hàng cao cấp của Nhật Bản, Hàn Quốc và các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, vài năm gần đây, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngoài đã tác động nhiều đến tâm lý của người tiêu dùng. Ngoài ra, còn tạo động lực để nhiều DN ngành da giày chú trọng sản xuất sản phẩm cho thị trường nội địa.
Cụ thể đã có những thương hiệu Việt mới như Miti (Công ty TNHH May Minh Tiến), Mr Vui (Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trương Vui)… đã tìm được chỗ đứng trên thị trường nội địa, bên cạnh các thương hiệu nội nổi tiếng khác như Biti’s, Vina Giày, Hồng Thạnh… Lợi thế của giày Việt là chất lượng tốt, đã được khẳng định bằng việc đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường nhập khẩu).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty TNHH May Minh Tiến, phát triển thị trường nội địa khó hơn làm hàng xuất khẩu, do phải có kế hoạch lâu dài về thương hiệu, chích sách hậu mãi, chuỗi phân phối…
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư lớn, chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với hàng giá rẻ từ Trung Quốc, khiến nhiều DN gặp khó khăn, phải thu hẹp hệ thống phân phối. Điều này dẫn đến khó khăn trong tiếp cận thương hiệu Việt của khách hàng trong nước. Chính vì vậy, nhiều DN chỉ tập trung làm hàng xuất khẩu, bỏ qua luôn thị trường nội, dù biết đây là thị trường rất hấp dẫn.