Đà Nẵng: Hệ lụy từ việc khách sạn phát triển nóng
Sức hấp dẫn của thị trường khách sạn Việt Nam |
Theo thống kê của các cơ quan chức năng địa phương, năm 2011 toàn TP. Đà Nẵng mới chỉ có 260 cơ sở lưu trú với 8.736 phòng. Đến năm 2017, con số này đã nhảy vọt lên 693 cơ sở lưu trú với 28.780 phòng.
Dự báo, giai đoạn 2018 - 2020 hệ thống các cơ sở lưu trú trên địa bàn tiếp tục tăng mạnh hơn so với thời gian trước. Ước tính trung bình mỗi năm tăng khoảng 86 cơ sở với 6.000 phòng.
Số lượng các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng đang tăng trưởng nhanh |
Bên cạnh đó, thời gian gần đây trên địa bàn thành phố còn xuất hiện nhiều dự án “hai trong một” căn hộ, khách sạn (condotel) của các chủ đầu tư, khiến số lượng các cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng tăng cao hơn nữa.
Đặc biệt, từ sau sự kiện APEC 2017 được tổ chức thành công tại Đà Nẵng, lượng khách du lịch đổ về thành phố càng nhiều, phong trào đua nhau xây dựng khách sạn lại càng diễn ra mạnh mẽ hơn.
Sự phát triển "chóng mặt" như trên dẫn tới thời gian gần đây ở TP. Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều "phố khách sạn", đặc biệt là ở những khu vực gần biển như quận Sơn Trà hay Ngũ Hành Sơn....
Trong đó, có thể kể đến đường Hà Bổng nằm trên địa bàn phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà). Con đường này chỉ dài khoảng 300 mét, thế nhưng đã có đến hàng chục khách sạn lớn nhỏ đua nhau mọc lên. Hay cũng ở địa bàn phường Phước Mỹ, trên đường Dương Đình Nghệ hiện quy tụ hàng loạt khách sạn, cơ sở lưu trú.
Đó mới chỉ là các con đường nhỏ, trên những tuyến đường lớn hơn như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Hoàng Sa, Trường Sa... thì cũng chỉ trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều khách sạn nhanh chóng mọc lên.
Việc thị trường khách sạn đang tăng trưởng “nóng” tại Đà Nẵng đã và đang để lại nhiều hệ lụy cho chính địa phương. Trong đó, có thể kể đến việc cơ sở hạ tầng tại những khu vực xuất hiện nhiều khách sạn đang trở nên quá tải, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trật tự đô thị và môi trường sống.
Ngay trong nội bộ của các khách sạn với nhau cũng đang diễn ra những chiêu cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách lưu trú. Những hành vi này đang ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch của TP. Đà Nẵng.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo các chủ đầu tư, nhưng xem ra còn chưa có hiệu quả.
Một số chuyên gia trong ngành khi đánh giá về sự phát triển "nóng" của thị trường khách sạn Đà Nẵng thời gian qua cũng đã đưa ra cảnh báo, nhà đầu tư cần có phương án kinh doanh cụ thể, tránh tình trạng “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào” để rồi rơi vào tình cảnh thua lỗ, kinh doanh không được mà bán cũng không xong.
Tại một hội thảo tìm giải pháp cho ngành khách sạn Đà Nẵng diễn ra cách đây không lâu, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng đề xuất cần chuẩn hoá dịch vụ du lịch cũng như hướng tới phát triển một cách bền vững.
Bên cạnh đó, phải nhanh chóng cập nhật các dịch vụ quản lý khách sạn, cung cấp những sản phẩm mới nhất nhằm góp phần đổi mới, tạo sự khác biệt trong chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong tương lai.