Đại biểu Quốc hội: Chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt | |
Điều hành chính sách tiền tệ đã đạt được những thành công |
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường sáng 26/5 (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đánh giá cao các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2017 và quý I/2018 đều đạt và vượt, đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) nhấn mạnh đến đóng góp của lĩnh vực ngân hàng. Theo đại biểu Thuật, CSTT đã điều hành chủ động linh hoạt, thận trọng phù hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Ông cũng đánh giá cao việc ổn định thị trường ngoại hối, ổn định mặt bằng lãi suất, hoạt động ngành ngân hàng an toàn lành mạnh, hiệu quả thời gian qua.
Còn đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, kinh tế không những đạt tốc độ tăng trưởng GDP quý I tăng 7,38% cao nhất trong 10 năm qua mà những gánh nặng u ám bất ổn về kinh tế, di sản tích tụ từ nhiều năm trước để lại đã được giải quyết xử lý, tháo gỡ từng bước hiệu quả mà nổi bật nhất là thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.
“Việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả đã tạo thêm niềm tin cho người gửi tiền và tăng trách nhiệm đối với người vay, hiệu quả vay. Chỉ trong 8 tháng các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 100.000 tỷ đồng nợ xấu là rất ấn tượng, từ đó tăng thêm nguồn vốn cho vay, đồng thời giảm 0,5% lãi suất trên năm, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các ngành, lĩnh vực ưu tiên.” – đại biểu Đinh Duy Vượt bày tỏ niềm tin với hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) trong bức tranh kinh tế, điều quan trọng là chúng ta tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 3 năm liên tiếp. Đặc biệt, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, cán cân thương mại, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế đều thặng dư so với các năm trước đây, nhờ vậy dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng và đạt con số trên 64 tỷ Đô la.
“Với mức dự trữ ngoại hối này chúng ta đã góp phần ổn định tỷ giá và đem lại niềm tin vào đồng Việt Nam, đồng thời khẳng định quá trình tái cơ cấu ngân hàng vừa qua, chúng ta vẫn đảm bảo được sự an toàn hệ thống ngân hàng và đảm bảo được tiền gửi của nhân dân.” – đại biểu Ngân phân tích thêm.
Để điều hành CSTT mang lại thành công hơn nữa, các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách linh hoạt, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), việc triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, theo đại biểu Tùng, qua khảo sát thực tế tại địa phương còn nhiều khó khăn vướng mắc như nhận thức và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ đặc biệt trong khâu thu giữ tài sản bảo đảm.
“Bên cạnh đó, hoạt động thi hành án nợ xấu ngân hàng chưa hiệu quả và còn lúng túng. Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế do chậm văn bản hướng dẫn.” – ông Tùng nêu thêm khó khăn trong xử lý nợ xấu và đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp tập trung quan tâm hướng dẫn địa phương và có giải pháp đồng bộ tháo gỡ việc này để Nghị quyết 42 thực sự phát huy tác dụng.
Còn đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục có CSTT linh hoạt để kiểm soát lạm phát, giữ cho được ổn định tỷ giá.
Theo vị đại biểu của đoàn Tây Ninh, trong điều kiện hiện nay chúng ta không đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bằng cách mở rộng tín dụng, không để tín dụng tăng quá cao vì điều này sẽ tạo rủi ro và hiệu quả không tốt cho nền kinh tế trong tương lai.