Đảm bảo an toàn hệ thống, vì lợi ích toàn xã hội
Vấn đề đảm bảo an toàn hệ thống được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt lưu ý khi thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD). Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị giữ lại quy định tại Điều 152c về biện pháp hỗ trợ đối với phương án phá sản như dự thảo luật cơ quan soạn thảo trình ra Quốc hội: “Trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt để chi trả số tiền gửi của cá nhân còn lại sau khi đã được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả theo quy định và cơ chế xử lý từ ngân sách nhà nước đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được”.
Phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền khi thực hiện phá sản TCTD |
Chủ tịch HĐQT VietinBank, đồng thời là ĐBQH ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD trình tại kỳ họp thứ 3, có nội dung liên quan đến hỗ trợ chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền khi TCTD bị phá sản. Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thay thế điều này bằng khoản 1, Điều 146.
Theo đó, giao cho Chính phủ quyết định biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn của các TCTD, trật tự an toàn xã hội khi xử lý các TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Theo ông Thắng, quy định như trên là chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện. Bởi vì như ý kiến của các ĐBQH trước đã phát biểu, khái niệm "biện pháp đặc biệt" ở đây chưa rõ là biện pháp gì? Có bao hàm biện pháp cho vay bắt buộc hay không? Nếu bao hàm biện pháp cho vay bắt buộc thì quy định như Điều146 là chưa đầy đủ. Bởi vì, khi đã đồng ý cho Chính phủ thực hiện cho vay đặc biệt thì có thể xảy ra tình trạng sau khi cho vay không thể thu hồi về.
“Tôi đặt ra một giả sử khi cho vay không thu hồi được thì phần thiếu hụt sẽ phải xin Quốc hội. Nếu Quốc hội đồng ý thì không vấn đề gì. Nhưng nếu Quốc hội không đồng ý thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi khoản vay đặc biệt không được thu hồi?” - ông Thắng băn khoăn.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Thanh Tùng nêu lên thực tế, khi TCTD lâm vào tình trạng phá sản hay có nguy cơ phá sản, mức độ ảnh hưởng tiêu cực tới an toàn hệ thống ngân hàng và xã hội là rất lớn. Tại dự thảo luật được trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 có quy định cụ thể về các biện pháp hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức đối với người gửi tiền khi thực hiện phá sản TCTD yếu kém nhưng dự thảo trình bày tại kỳ họp này không còn quy định này. “Vậy khi TCTD bị giải thể hay phá sản, quyền lợi của người gửi tiền sẽ như thế nào?” - ông Tùng lo lắng.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ cũng cho rằng, dự thảo sửa đổi luật lần này vẫn chưa toàn diện. Quyền lợi của người gửi tiền vẫn chưa được quy định rõ nét trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ, phá sản, trong khi đây là "cổ đông" đặc biệt của ngân hàng khi góp 85% vốn huy động. Cũng theo đại biểu Thủy, với quy định tỷ lệ chi trả theo bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền trường hợp ngân hàng phá sản tối đa 75 triệu đồng/1 người/1TCTD như hiện nay là quá thấp. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, bà Thủy đề nghị người gửi tiền phải được nhận lại số tiền ứng với số đã gửi. Đồng tình với bà Thủy, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, nếu không trả đúng, trả đủ người dân sẽ mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải cũng cho rằng, nếu áp dụng biện pháp phá sản TCTD mà chỉ chi trả theo mức của Bảo hiểm tiền gửi thì có thể tiềm ẩn nguy cơ: Thứ nhất, người gửi tiền cá nhân rút tiền ồ ạt tại nhiều TCTD khác, từ đó có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống. Mà một khi hệ thống mất an toàn thì hệ luỵ của nó với nền kinh tế là cực kỳ nghiêm trọng. Thứ hai, người gửi tiền có thể tụ tập, khiếu kiện đông người gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Theo ông Hải, ngoài hạn mức chi trả của Bảo hiểm tiền gửi, phần còn lại Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ khi cần thiết. Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả không dùng ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội nhưng có thể sử dụng các nguồn lực nhà nước khác để xử lý vấn đề này. Đây là biện pháp hỗ trợ rất quan trọng và cần thiết khi thực hiện phá sản TCTD để không làm đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống TCTD, không làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm nguyên tắc “phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền khi thực hiện phá sản TCTD” mà Bộ Chính trị đã yêu cầu.
ĐBQH Đinh Duy Vượt: Tham gia vào TCTD bị kiểm soát đặc biệt phải có cơ chế cho cán bộ
Với người tham gia tái cơ cấu TCTD bị kiểm soát đặc biệt, theo tôi qua các vụ án gần đây cho thấy hết sức phức tạp khi xử lý hậu quả liên quan tới pháp lý những người liên quan. Chính vì vậy, việc phân công cán bộ sang các TCTD bị kiểm soát đặc biệt mà bắt buộc phải đảm nhiệm cũng phải có cơ chế cho họ. Bởi lẽ cán bộ đang ăn nên làm ra, ăn ngon ngủ yên thì không ai xung phong vào giải cứu các TCTD bị kiểm soát đặc biệt với những khó khăn đặc biệt, rủi ro đặc biệt. Qua tìm hiểu nhiều cán bộ được giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này họ ví như đang tháo ngòi nổ của quả bom. Vì việc cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đòi hỏi họ phải có quyết định xử lý hiệu quả, thậm chí không có tiền lệ nhưng chúng ta lại chưa có quy định pháp luật rõ ràng. Bên cạnh đó, cần thêm các quy định nhằm ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu rủi ro làm ảnh hưởng tới an toàn hoạt động của cả hệ thống TCTD, nhất là đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền. Chính vì vậy, theo tôi vẫn rất cần các quy định cụ thể về trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém ngay tại dự thảo luật sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD lần này để đảm bảo chúng ta có nguồn nhân lực chất lượng, vững trí, vững tâm để thực thi nhiệm vụ. Vì theo tôi con người vẫn là yếu tố quan trọng, quyết định tới việc tái cơ cấu các TCTD hiệu quả hay không. Qua tìm hiểu tôi được biết trên thế giới cũng có quy định về miễn trách nhiệm cho cán bộ khi tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém nhưng không phải là vô điều kiện mà phải đáp ứng được các điều kiện về phạm vi quyền hạn. ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ: Bảo hiểm là bù đắp những phần rủi ro tương xứng cho người gửi tiền
Điều 1 khoản 4 về mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn, mua bán chuyển nhượng phần góp vốn của chủ sở hữu, mua bán, chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn... có thuật ngữ “cổ đông lớn”, theo tôi cần xác định “cổ đông lớn” là như thế nào? Cổ đông chiếm bao nhiêu % vốn cổ phần được gọi là cổ đông lớn. Để tăng tính minh bạch tôi nghĩ dự thảo luật nên đưa ra một số tiêu chí mang tính định lượng, rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, luật sửa đổi, bổ sung cũng cần phải làm rõ quyền lợi của người gửi tiền trong các TCTD bị kiểm soát đặc biệt, trách nhiệm của các bên liên quan trong giai đoạn trước và sau cơ cấu lại; tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn chỉ định các TCTD nhận chuyển giao bắt buộc. Vấn đề bảo hiểm tiền gửi hiện nay mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đang đặt ra ở mức tối đa 75 triệu đồng/1 người/1 TCTD, trong khi đó thực tiễn cho thấy nhiều người gửi tiền gửi số tiền rất lớn, hàng tỷ đồng. Do đó, có thể thấy việc quy định số tiền bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng như trên chưa có ý nghĩa thực tiễn. Tôi đề nghị trong dự thảo luật này cần xem xét quy định lại vấn đề bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo phản ánh đúng tính chất của bảo hiểm là bù đắp những phần rủi ro tương xứng cho người gửi tiền. ĐBQH Nguyễn Ngọc Hải: Trách nhiệm đặc thù với cán bộ là rất cần thiết
Cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém phải tham gia xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lý. Trên thực tế, khi thực hiện điều tra, truy tố, xét xử đối với các trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng thường quy kết vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là thiếu trách nhiệm không có tiêu chí rõ ràng và các cơ quan tiến hành tố tụng thường không xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi thiếu trách nhiệm và hậu quả, gây rủi ro và ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Do vậy, tôi cho rằng, để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém được kiểm soát đặc biệt, cần có quy định về trách nhiệm đặc thù đối với người tham gia quá trình này. Nếu chờ sửa đổi, bổ sung nội dung này tại các luật liên quan như Bộ luật Hình sự hay Luật Cán bộ, công chức sẽ không bảo đảm tính kịp thời và toàn diện của việc tạo lập khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém. Mặt khác, cũng cần được chỉnh lý để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh lạm dụng. Tôi cho rằng cần giữ lại Điều 147 theo dự thảo trình trước kỳ họp thứ tư này là hợp lý. |