Xây chuỗi liên kết để chống thực phẩm bẩn
Kết nối cung cầu nông sản sạch | |
Ai cho lương thiện? |
Ảnh minh họa |
Nóng thực phẩm bẩn
Chia sẻ kết quả giám sát trên diện rộng 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbultamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư bảo vệ thực vật vượt ngưỡng chiếm 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3%.
Điều này cho thấy vấn nạn nông sản, thực phẩm bẩn đã được quan tâm xử lý, nhưng không xuể, dù trong 6 tháng đầu năm hàng tấn nội tạng hôi thối, mỡ bẩn, thịt chứa salbultamol, măng ngâm chứa vàng ô… đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý.
Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5 - C49, Bộ Công an cho biết: Gà thải loại, thuỷ hải sản nhập vào, ở biên giới với giá rất rẻ, như giá cá tầm nhập lậu với giá 70.000 đồng/kg, về Hà Nội lên thành 300.000 đồng/kg, dư lượng kháng sinh rất cao nhưng nhiều người tham rẻ vẫn mua. Trong khi đó, vì siêu lợi nhuận nên nhiều đối tượng dùng cả xe du lịch để buôn lậu về Hà Nội.
Ông Thông đánh giá công đoạn lưu thông sản phẩm cũng là khâu cực kỳ nan giải, thực vật thì hóa chất ngâm tẩm, động vật thì bơm nước và không kiểm soát được hết.
Ở công đoạn người tiêu dùng, thông tin lẫn lộn giữa người đáp ứng được và không được, thông tin quá nhiều dẫn tới hoang mang, nếu tuyên truyền quá mức dẫn tới người tiêu dùng cảnh giác không phân biệt được nữa. Do đó, khẩu hiệu "Hành động để người dân sử dụng thực phẩm an toàn" sẽ tiếp tục “nóng” trong tình hình hiện nay và sắp tới.
Lấy sản xuất làm gốc
Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ thủy sản an toàn, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản cho hay, cần đẩy mạnh các yếu tố liên kết tạo nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng được kiểm soát. Kiểm soát chặt và công khai về chất lượng đối với “nguồn nguyên liệu”, đặc biệt là kháng sinh, tạp chất. Ngoài ra, hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, hỗ trợ quảng bá xây dựng thương hiệu…
Đề xuất với hệ thống siêu thị, bán lẻ, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, về mặt tiêu chí chung, cần có được hàng chất lượng, ATTP và khuyến khích được người dân sử dụng hàng từ siêu thị, đặc biệt là hàng thực phẩm - thủy sản đông lạnh.
Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị cần chia sẻ thông tin thị trường với nhà sản xuất, chính sách thu mua công khai với nhà sản xuất… Liên quan đến “chiết khấu” cần được cân nhắc tính toán phù hợp khi đây là vấn đề dễ tác động đến chất lượng hàng hóa.
“Việc hệ thống siêu thị lớn tăng chiết khấu cao khiến DN Việt không có lãi để tái đầu tư. Như vậy, sẽ có trường hợp DN chấp nhận lỗ thì câu hỏi đặt ra là hàng đó có đảm bảo chất lượng không? Hoặc DN sẽ không thể cạnh tranh để lên kệ sản phẩm của siêu thị và dần dần hàng hóa nước ngoài sẽ thay thế sản phẩm Việt Nam”, ông Nam nói.
Với ý kiến của ông Nguyễn Hoài Nam về khuyến khích được người dân sử dụng hàng từ siêu thị, đặc biệt là hàng thực phẩm - thủy sản đông lạnh, bà Nguyễn Kim Huệ, Giám đốc Công ty đầu tư và thương mại PIMC cho rằng, DN muốn bán được hàng cần nắm được nhận thức của người tiêu dùng (NTD).
Quan điểm NTD phải dùng hàng đông lạnh do kiểm soát được chất lượng là xu hướng đúng nhưng đây cũng là vấn đề mang tính chất văn hóa. Hiện chúng ta vẫn chưa đưa ra được lý do vì sao nên dùng hàng đông lạnh?
Cụ thể, nếu đúng quy trình thì chất lượng sản phẩm này như thế nào, chất lượng của món ăn, hàm lượng dinh dưỡng… ra sao? Chúng ta cần có sự hợp tác và nỗ lực của các cơ quan truyền thông lẫn cơ quan chuyên môn để làm rõ vấn đề này và thay đổi nhận thức của NTD.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhận định, nội dung chính phải đẩy nhanh trong thời gian tới là liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng tới khâu tiêu thụ để đảm bảo hàng hoá chất lượng, nâng cao chất lượng khả năng cạnh tranh của hàng hoá không chỉ trong nước và quốc tế. Bộ NN&PTNT sẽ hướng tới hình thành hệ thống chợ đầu mối nông sản an toàn và dẫn tới siêu thị. Việc hình thành hệ thống các điểm bán nông sản an toàn trên cả nước sẽ hạn chế lượng nông sản mất an toàn.