Gian nan kiểm soát thực phẩm bẩn
Nguy cơ bùng phát chất cấm quay trở lại | |
Ai cho lương thiện? | |
Nỗi lo thực phẩm bẩn |
Nỗi lo thực phẩm bẩn
Mỗi năm, thị trường Hà Nội tiêu thụ khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900.000 tấn rau các loại... Trong đó, các hộ sản xuất trên địa bàn chỉ cung cấp khoảng 69% nhu cầu thịt gia súc, gia cầm các loại, 60% rau củ quả… số còn lại do các địa phương khác cung cấp hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Chính điều này gây ra tình trạng một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên thị trường Hà Nội.
Việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ rất khó khăn |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hơn 80% người tiêu dùng Hà Nội vẫn mua thực phẩm tại các chợ truyền thống do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi. Tuy nhiên, hàng hoá phân phối tại nhiều chợ dân sinh, nhất là các chợ vùng sâu vùng xa khó kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mặt hàng tươi sống không có bao bì, tem nhãn.
Trong những tháng đầu năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 701 vụ vi phạm về chất lượng và an toàn thực phẩm, tổng số tiền thu nộp hơn 9,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra với nhiều hình thức, thủ đoạn, quy mô khác nhau.
Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó giám đốc Xí nghiệp Minh Khai (đơn vị quản lý chợ đầu mối Minh Khai) cho biết, công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày có 5.000 người giao dịch tại chợ, hàng hoá thực phẩm đến từ khắp các địa phương trên cả nước, có cả hàng Trung Quốc. “Khó khăn nhất hiện nay là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Ban quản lý chưa có phương tiện gì để kiểm tra mẫu rau có an toàn hay không, chỉ quan sát bằng mắt thường thì khó có thể phân biệt được”, ông Nguyễn Ngọc Vinh chia sẻ.
Để rau củ quả an toàn phân phối từ chợ đầu mối đến với bà con thì phải kiểm soát ngay từ gốc, và nâng cao ý thức người dân. Nếu người sản xuất không có lương tâm thì khẳng định chất lượng hàng hóa sẽ không tốt, không an toàn.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay: “Hiện chúng ta có rất nhiều thực phẩm nhập khẩu. Cái cần nhất là chúng ta giám sát ngay từ đầu. Làm thế nào tại tất cả các cửa khẩu chúng ta có đủ lực lượng, đủ trang thiết bị nguồn lực để kiểm tra thông quan nhanh cho DN, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Tránh trường hợp hiện nay trong lúc chờ kết quả thông quan, người ta đã bán hết hàng”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Vinh: “Tại chợ, chúng tôi có trách nhiệm nhắc nhở bà con cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc sản phẩm. Bảo quản rau củ quả phải làm sao cho đảm bảo. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm soát nguồn gốc rau củ quả an toàn, tăng cường công tác vệ sinh tại chỗ”.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có chế tài xử phạt
Phương tiện thông tin đại chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong vẫn đề an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền để bà con hiểu.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sắp tới Sở sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác quản lý, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất rau, thực phẩm an toàn, từ khi sản xuất đến đưa vào lưu thông đến tay người tiêu dùng. Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra công tác lưu thông sản phẩm trên địa bàn thành phố, để làm sao ngăn chặn những sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
PGS. TS Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm đề nghị, cần rà soát lại tất cả các văn bản hiện hành, chỉnh sửa, ban hành đồng bộ và có tính khả thi cao để giúp cho công tác quản lý an toàn thực phẩm được thuận lơi. Đồng thời, các chế tài xử lý vi phạm cần phải cụ thể và theo hướng đủ sức răn đe.
“Về mặt tổ chức phải xác định trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau dẫn tới quản lý lỏng lẻo, thiếu cụ thể, thiếu sâu sát. Bên cạnh đó cần thiết phải nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý cả về con người và trang thiết bị để phục vụ cho công tác quản lý”.