Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng và đa dạng hơn
Tạo nền tảng giúp các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam | |
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ tiền vào Việt Nam |
Bà Karin Finkelston |
Việc có được bảo lãnh của MIGA đối với các dự án tại sao lại quan trọng đối với các nhà đầu tư (NĐT) thưa bà?
Bởi chính lợi ích mà nó mang lại. Khi các NĐT đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở các nước, họ sẽ không còn phải lo lắng về những rủi ro chính trị như: Liệu tôi có thể mang tiền của tôi ra không?; liệu ở nước này có bất ổn không?; liệu có rủi ro chính phủ sẽ cố gắng bằng cách nào đó làm giảm các giá trị tài sản đầu tư của tôi không?....
Và tôi cho rằng, đối với một NĐT, nếu phải suy nghĩ nhiều về rủi ro như vậy thì ít nhất trong nhận thức của mình, họ sẽ chỉ lựa chọn vào đầu tư ở những nước có ít rủi ro nhất.
Nhưng khi có MIGA vào bảo lãnh, xóa đi những lo ngại rủi ro ấy thì các NĐT lúc này chỉ còn lo về hoạt động đầu tư kinh doanh của mình. Điều đó sẽ làm cho nhiều NĐT cảm thấy thoải mái với các thị trường rủi ro cao hơn, hoặc những thị trường mà họ thực sự không biết do sự bất đối xứng thông tin. Và ngay cả khi họ chấp nhận các rủi ro thấp thôi thì họ cũng muốn những bảo hiểm rủi ro chính trị để giảm thiểu thiệt hại.
Hoạt động bảo lãnh đầu tư của MIGA có gì khác biệt?
Trước hết, MIGA là thành viên của WBG. Vì vậy, chúng tôi làm việc để hỗ trợ Việt Nam theo hướng phát triển bền vững. Thứ hai, MIGA được xếp hạng tín nhiệm AAA nên chúng tôi có thể cung cấp các bảo lãnh của mình theo cách sẽ hỗ trợ tốt cho các NH và các NĐT trên một nền tảng tài chính vững mạnh.
Thứ ba là lịch sử hoạt động của MIGA. Với hơn 800 dự án trên toàn cầu được bảo lãnh, chỉ có 8 trường hợp phải chi trả bồi thường. Lý do vì chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với WBG nên khi có vấn đề phát sinh giữa các chủ thể khu vực tư nhân với chính phủ thì chúng tôi sẽ đứng ra làm trung gian dàn xếp giải quyết.
Chúng tôi hỗ trợ bảo lãnh rất nhiều dự án CSHT lớn, thời gian triển khai kéo dài có thể lên đến 15, thậm chí 20 năm. Với một quãng thời gian dài như vậy thì việc có thể phát sinh một số vấn đề cũng là điều bình thường. Nhưng thế mạnh của MIGA chính là thu xếp giải quyết để giảm thiểu những rủi ro cả từ hai phía chính phủ và khu vực tư nhân.
Ví dụ, với bảo lãnh rủi ro phá vỡ hợp đồng, như trong một số trường hợp chính phủ không thực hiện theo hợp đồng thì chúng tôi sẽ đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân. Đôi khi có lý do chính đáng để chính phủ không thanh toán theo đúng hợp đồng là vì bên khu vực tư nhân đã không làm đúng những công việc theo cam kết.
Nhưng trong một số trường hợp khác, có thể là chính phủ đang gặp một số vấn đề thực sự trong thực hiện theo hợp đồng thì chúng tôi sẽ thuyết phục khu vực tư nhân kiên nhẫn một chút, đồng thời làm việc với chính phủ để đưa ra một kế hoạch theo đó họ sẽ chi trả. Chúng tôi thường cố gắng để tiến hành các hòa giải trong trường hợp có các vấn đề phát sinh như vậy để mục đích là đưa được dự án triển khai trở lại.
Thực tiễn các sản phẩm cụ thể của MIGA tại Việt Nam là gì, thưa bà?
Đối với thị trường Việt Nam, chúng tôi cung cấp hai sản phẩm. Một là bảo lãnh rủi ro chính trị, bao gồm: Rủi ro phá vỡ hợp đồng; Rủi ro chuyển đổi giữa nội tệ và ngoại tệ và hạn chế khi chuyển vốn ra ngoài lãnh thổ; Rủi ro chiến tranh và bạo loạn dân sự. Đây là những gì chúng tôi muốn sử dụng cho hình thức hợp tác công-tư (PPP), theo đó sẽ giúp đưa các NĐT khu vực tư nhân vào Việt Nam.
Thứ hai là sản phẩm bảo lãnh tăng cường tín dụng hay còn có tên gọi là “Bảo lãnh rủi ro không hoàn thành nghĩa vụ tài chính của chính phủ” (NHFO). NHFO bao gồm bảo lãnh chính phủ, bảo lãnh chính quyền địa phương và bảo lãnh DNNN. Tiêu biểu cho sản phẩm bảo lãnh này được thực hiện ở Việt Nam gần đây là dự án thủy điện Hồi Xuân (với tổng giá trị bảo lãnh 239,7 triệu USD, ký hợp đồng tháng 12/2015) và dự án đường cao tốc BT20 (tổng giá trị bảo lãnh 500 triệu USD, ký hợp đồng tháng 3/2014).
Các bảo lãnh này giúp cho các nhà cho vay có thể cung cấp tài chính dài hạn hơn và với một chi phí thấp hơn. Điều này giúp cho Chính phủ Việt Nam tiết kiệm được chi phí triển khai dự án hơn và cũng tức là người dân sẽ được hưởng lợi hơn.
Bà có cho rằng hoạt động bảo lãnh của MIGA sẽ giúp thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam?
Tôi hoàn toàn tin chắc như vậy. Bởi như tôi đã nói, khi các NĐT nước ngoài tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, họ có thể chấp nhận một số rủi ro. Nhưng nếu có MIGA ở đây như là một đối tác, thì họ biết các rủi ro sẽ được giảm thiểu. Như vậy thì rõ ràng là các NĐT nước ngoài sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Một điều nữa MIGA có thể làm là giúp Việt Nam thành công hơn trong nỗ lực thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn vào các dự án CSHT. Ví dụ, khi Việt Nam gọi thầu các dự án, có thể bổ sung thêm thông tin là MIGA có mặt ở Việt Nam và sẵn sàng bảo lãnh cho các NĐT. Như vậy thì các NĐT hiểu rằng nếu vào tham gia thầu thì họ hoàn toàn có thể làm việc với MIGA, nhờ đó sẽ giảm bớt những rủi ro. Như vậy thì họ cũng sẵn sàng trả giá thầu tốt hơn.
Chúng tôi cũng kỳ vọng qua thời gian, khi các NĐT nước ngoài đến Việt Nam, họ sẽ hiểu hơn về môi trường, hiểu hơn về mức độ rủi ro và hoạt động bảo lãnh rủi ro của MIGA ở đây thì điều này sẽ mở rộng và đa dạng hóa các NĐT ở Việt Nam hơn nữa.
Yếu tố rủi ro về môi trường và xã hội được quan tâm như thế nào trong các dự án được MIGA tài trợ?
MIGA là thành viên của WBG nên chúng tôi phải đảm bảo các dự án cần tuân theo những tiêu chuẩn về môi trường và xã hội cũng giống như những gì tổ chức IFC và WB thực hiện. Tại MIGA, chúng tôi có nhóm chuyên gia chuyên về vấn đề này, đồng thời chúng tôi cũng làm việc chặt chẽ với các chuyên gia khác từ WBG và IFC để đảm bảo các tiêu chuẩn đặt ra được đáp ứng. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, điều quan trọng là các nước cần phát triển kinh tế song hành với yếu tố xanh và bền vững của môi trường, xã hội.
Ở Việt Nam, tham nhũng luôn là một nguy cơ lớn được quan tâm. MIGA có các biện pháp gì để chống lại rủi ro này trong triển khai các dự án?
Cũng giống như các thành viên khác của WBG, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề liêm chính do đó luôn xem xét các dự án một cách cẩn trọng để đảm bảo các nhà tài trợ, các công ty tham gia vào dự án luôn minh bạch. Chúng tôi tiến hành các thẩm tra cũng như giám sát kỹ phần chi phí để đảm bảo chi phí đó tương thích với những gì mà dự án cung cấp. Tóm lại chúng tôi luôn nỗ lực để các đối tác tham gia đảm bảo tính liêm chính cao nhất, dự án được triển khai theo cách thức minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn về thanh liêm.
Trong vòng đời của một dự án, nếu vấn đề vi phạm liêm chính bị phát hiện thì chúng tôi sẽ đóng vai trò trung gian, ngồi lại với Chính phủ, các bên liên quan cùng bàn bạc về cách thức để giải quyết vấn cùng đó. Tinh thần chung là chúng tôi luôn kỳ vọng dự án sẽ được tiếp tục, để nó đem lại những lợi ích như mục tiêu đề ra cho người dân Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!
Việt Nam chính thức là thành viên của MIGA từ năm 1994. Từ đó tới nay, MIGA đã cấp bảo lãnh cho 9 dự án đầu tư của NĐT nước ngoài vào Việt Nam trong các lĩnh vực như thủy điện, CSHT, ngân hàng, viễn thông… với tổng giá trị bảo lãnh lên tới 1,1 tỷ USD. |