Để đầu tư công thực sự trở thành nguồn vốn mồi
Phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018 | |
“Khó khăn đầu tư công cũng không giảm đầu tư cho nông thôn mới!” |
Quốc hội đã thông qua tổng số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2017 là 357.150 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các quyết định giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn vốn này. Đến nay, các bộ, ngành trung ương và địa phương cũng đã triển khai thông báo kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2017 để thực hiện.
Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết, 4 tháng đầu năm 2017, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN đã có dấu hiệu khả quan, đạt 19,2% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (18%). Tuy nhiên, băn khoăn về hiệu quả đồng vốn dường như chưa chấm dứt.
Đầu tư công khi đã triển khai sẽ thu hút các nguồn lực khác từ xã hội cùng tham gia |
PGS-TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, vốn đầu tư công là phần hết sức quan trọng, từ đây sẽ tạo ra nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực mà các khu vực khác trong xã hội không thể “nhảy vào”. Đơn cử, đường sá, cầu cống, cảng biển… thì đầu tư công khi đã rót vốn vào triển khai sẽ thu hút các nguồn lực khác từ xã hội cùng tham gia. Đây cũng được coi như định hướng cho thu hút nguồn vốn từ xã hội.
“Nếu đầu tư công được định hướng đúng, có hiệu quả thì sẽ thu hút và tạo ra sức mạnh vô cùng lớn từ các nguồn lực khác ngoài xã hội. Nếu đầu tư không đúng hướng và sai mục đích thì sẽ làm cho nguồn đầu tư khác của xã hội không đi theo, hoặc có đi theo thì cũng không hiệu quả. Không chỉ làm thất thoát đầu tư công, mà còn làm lãng phí nguồn lực các khu vực khác”, ông Cường nói.
Cách đặt vấn đề trên nhận được nhiều sự đồng tình. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho biết, việc huy động nguồn lực hiện nay ở nước ta phụ thuộc rất lớn vào việc Chính phủ đi vay để đầu tư. Vì thu ngân sách của chúng ta chủ yếu mới chỉ đảm bảo cho chi thường xuyên là chính, còn chi cho đầu tư phát triển chủ yếu đi vay. Một vài năm trở lại đây, Chính phủ đã phải đứng trước áp lực về trần nợ công, nên đã phải hạn chế huy động vốn vay, do đó đầu tư công đang có hiện tượng chậm lại và được kiểm soát chặt chẽ hơn.
“Theo tôi, đây là sự thay đổi nhằm tránh tình trạng đầu tư lãng phí, không hiệu quả”, ông Cường nhận xét.
Thế nhưng trong bối cảnh dù đang rất khó khăn về vốn như vậy, vẫn còn nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, thua lỗ… Ví như, có đến 12 dự án đầu tư công trong ngành Công Thương bị thua lỗ khiến dư luận rất bức xúc. Một số chuyên gia cho rằng đây là những điển hình tiêu biểu của vấn đề đầu tư công không hiệu quả, lãng phí, cũng là ví dụ được sử dụng nhiều nhất trong việc đầu tư công dàn trải, thất thoát vốn nhà nước.
Về việc quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công hiện nay, ông Cường cho biết, đầu tư công là một trong những lĩnh vực đang được nhắc đến rất nhiều. Việc nợ công cao thời gian qua có lý do từ đầu tư công quá ào ạt, dàn trải, không dứt điểm. Hoặc đầu tư vào những dự án không có hiệu quả làm lãng phí vốn đầu tư. Đây là điều xã hội quan tâm, cần phải tìm ra lý do tại sao mà để tình trạng dàn trải và phân tán như thế.
Chính vì thế, hiệu quả đầu tư công có lẽ cũng sẽ là nội dung mà các đại biểu Quốc hội muốn nhận được trả lời của Thủ tướng trong phiên chất vấn vào tuần tới, để tìm ra lời giải cho hướng xử lý các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” và việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần kiên quyết nhìn thẳng những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này để góp phần hỗ trợ tăng trưởng.
Bởi nếu chúng ta không chỉ ra được nguyên nhân những dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng gây thất thoát, lãng phí, không hiệu quả… thì trong tương lai vẫn có thể lặp lại. Do đó, trước khi triển khai các dự án đầu tư mới thì Chính phủ cần cương quyết yêu cầu các đơn vị phải rà soát lại và tìm bằng được nguyên nhân tại sao đầu tư vào những lĩnh vực không hiệu quả, tại sao không có ai chịu trách nhiệm. Nếu không thể tìm được do cơ chế quá chung chung thì cũng phải hoàn thiện lại cơ chế, quy trình để đảm bảo khi một dự án được đầu tư thì phải có người chịu trách nhiệm về hiệu quả của nó.
Góp một góc nhìn, PGS-TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, muốn đầu tư công hiệu quả, điều quan trọng là phải quy rõ trách nhiệm người chịu trách nhiệm dự án đầu tư. Cơ quan nào trình dự án thì phải chịu trách nhiệm đến cùng về hiệu quả đầu tư của dự án, dù dự án đó đầu tư bằng ngân sách hay bằng bất kể nguồn vốn vay nào. Chỉ khi nào làm được việc ấy thì mới có hy vọng chống được thất thoát, thiếu hiệu quả từ các dự án đầu tư công.