Để kinh tế không “sợ” biến đổi khí hậu
Nên tăng ngân sách tài trợ cho nghiên cứu khí hậu | |
Thỏa thuận cho đầu tư xanh |
Những kịch bản không mấy sáng sủa đối với nền kinh tế do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã được nhận diện tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”, do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 18/11. Nếu không kịp thời ngăn chặn những tác động tiêu cực này, thì các nỗ lực để đạt tăng trưởng sẽ nhanh chóng hụt hơi.
Đầu tư vào năng lượng sạch để ứng phó với biến đổi khí hậu |
Những kịch bản xấu
Theo Chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia chịu tác động và rủi ro cao nhất. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dự báo của NCIF cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm GDP giảm 0,6%/năm, trong khi Ngân hàng Thế giới cho rằng mức này thậm chí phải là 0,77%/năm.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo, NCIF đã dẫn ra một số kịch bản tổng quan về tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với nền kinh tế.
Theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện vào năm 2015, đến cuối thế kỷ XXI, sự gia tăng thêm 1m của mực nước biển có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của khoảng 20% dân số và tổn thất có thể lên tới 10% GDP/năm. Nếu mực nước biển dâng 1m, mà không có các hoạt động ứng phó, phần lớn Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn toàn ngập nhiều thời gian trong năm, và thiệt hại tài sản ước tính lên tới 17 tỷ USD.
Báo cáo kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của Tổ chức DARA International thực hiện từ năm 2012 cũng chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.
Xa hơn nữa, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển Thế giới và Đại học Copenhaghen cũng đưa ra dự báo, nếu GDP vào năm 2050 của Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD thì thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể lên đến khoảng 40 tỷ USD. Đây là mức thiệt hại tương đối lớn về giá trị tuyệt đối, song có thể giảm xuống nếu Việt Nam kịp thời có chính sách ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
WB cũng lưu ý, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí tại Việt Nam ngoài gây thiệt hại trực tiếp đến GDP hàng năm, còn tác động gián tiếp qua việc chúng ta phải chi ra 780 triệu USD cho công tác chữa trị những chứng bệnh bị gây ra do hiện tượng thời tiết cực đoan.
Có thể ngăn chặn kịp thời
Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế đã rõ. Tuy nhiên cần lưu ý rằng ở chiều ngược lại, chính việc khai thác nguồn lực từ tự nhiên để phục vụ phát triển kinh tế kém hiệu quả đã dẫn đến hậu quả này.
GS. John FitzGerald, Khoa Kinh tế, Đại học Trinity Dublin (Ailen) dẫn chứng, nghiên cứu đã chỉ ra điện là nhân tố quan trọng cho sản xuất ở Việt Nam, tuy nhiên nhu cầu về loại năng lượng này lại đang tăng nhanh hơn mức tăng GDP. Cụ thể là trong giai đoạn 2011-2014, để tăng 1% GDP thì cầu về năng lượng điện cần tăng tương ứng từ 3% lên 4,2%. Cùng với đó thì mức phát thải CO2 cũng tăng từ 1,7% lên 3,5%.
Ông khuyến cáo, hiện nay các nguồn phát điện chính ở Việt Nam vẫn đang dựa vào thuỷ điện và nhiệt điện, trong dài hạn cần tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Bởi hiện nay khai thác thuỷ điện đã gần mức giới hạn, trong khi điện than cũng ảnh hưởng nhiều tới khí hậu và sức khoẻ.
Vì vậy cần đầu tư mạnh hơn để thúc đẩy công nghệ, giảm chi phí sản xuất ra năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… Cùng chung quan điểm này, nhiều ý kiến đặt vấn đề, với thực trạng biến đổi khí hậu làm giảm 0,6% GDP/năm, vậy liệu chúng ta có nên dành nguồn lực 0,6% của GDP để đầu tư trước cho môi trường, thay vì để các diễn biến xấu xảy ra mới tìm cách khắc phục?
Còn theo PGS. TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, chúng ta cần phải lo lắng về tác động của biến đổi khí hậu tới nền kinh tế, song không nên thái quá. Ông Bá dẫn chứng, khi đối mặt với hiện tượng nước biển dâng, một số nhà khoa học nói có khi đó lại là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
“Đằng nào cũng đã có dự báo nước ở thượng nguồn cạn dần, nước biển dâng là không tránh được, vậy can cớ gì cứ phải đi trồng lúa, đi nuôi tôm sạch thì thế nào? Biết đâu làm như vậy lại có lợi hơn trồng lúa thì sao”, ông Bá đặt câu hỏi.
Ông kết luật, ứng phó với biến đổi khí hậu phụ thuộc vào năng lực dự báo và tư duy dám thay đổi cách làm, khi đó các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ không có tác động quá tiêu cực đối với phát triển kinh tế.