Địa ốc và những cuộc sang tên
Kỳ vọng vào sự bùng nổ của thị trường M&A | |
Sôi động M&A |
Điển hình như mới đây, Công ty Đầu tư và xây dựng Bình Chánh (BCI) đã chuyển giao một lô đất rộng 7,4ha tại Phong Phú, Bình Chánh cho đối tác là Thuận Phát với giá trị hơn 637 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là Thuận Phát chỉ mới thành lập vào cuối năm ngoái với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Một trong những cổ đông lớn nhất của Thuận Phát chính là Công ty Đầu tư và Phát triển bất động sản Thế Kỷ (CenInvest), thành viên của Tập đoàn Cen Group khá kín tiếng có trụ sở chính ở Hà Nội.
Trong số các giao dịch gây sửng sốt cho thị trường M&A còn có thương vụ nhà phát triển bất động sản mới nổi Novaland bất ngờ mua thành công mảnh đất vàng 178 Nguyễn Đình Chiểu - nơi “đóng quân” trước đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số cơ quan truyền thông. Đó còn là thương vụ M&A Công ty Đầu tư và dịch vụ Khánh Hội (Khahomex) của Công ty Chứng khoán Bản Việt…
Rõ ràng, đang có những dịch chuyển âm thầm trên thị trường bất động sản mà trong đó, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh đang ráo riết mua gom các dự án có quy mô lớn, vị trí tốt để duy trì vị thế và nguồn lực phát triển trong các năm tới.
Cũng trong xu hướng này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khá nhanh chân đã giao dịch thành công nhiều tài sản giá trị. Vina Capital đã chuyển nhượng toàn bộ khu đô thị Đại Phước Lotus cho Tập đoàn China Fortune Land Development (Trung Quốc); hay Tập đoàn CapitaLand (Sinapore) đã nhận chuyển nhượng một lô đất 0,6ha tại khu vực trung tâm quận 1 với mức giá được cho là không thể tưởng tượng được; một nhà đầu tư đến từ Hong Kong chính thức nhận chuyển nhượng lại tòa cao ốc phức hợp M&C Tower có vị trí đắc địa tại quận 1...
Theo Công ty tư vấn JLL Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đang thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương - với những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai.
Bên cạnh sức hấp dẫn của thị trường M&A thì một trong những chính sách được giới đầu tư rất quan tâm mới đây là việc Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết về nợ xấu, trong đó xác lập quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư bên ngoài tham gia mua lại nợ xấu và nhất là cho phép các tổ chức tín dụng chuyển nhượng dự án với giá thị trường, tức có thể thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách.
Đây được xem là cú hích mới, có thể tác động tích cực đến thị trường bất động sản, nhất là gắn liền với các khoản nợ xấu trong ngân hàng, mang lại cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước sở hữu các dự án tốt với giá rẻ. Làn sóng M&A trên thị trường địa ốc vì thế sẽ càng trở nên sôi động hơn trong thời gian tới, từ phân khúc nhà ở, bán lẻ đến phân khúc du lịch khách sạn.
“Phân khúc khách sạn luôn thu hút được sự quan tâm trong thời gian qua với nhiều nguồn vốn từ nước ngoài được đổ vào Việt Nam. Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển, đồng thời những thị trường khác như khu công nghiệp và giáo dục cũng đang không ngừng tăng trưởng. Thị trường nhà ở bình dân được đánh giá là phân khúc thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Nhìn chung, Việt Nam vẫn đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong khu vực, chúng tôi kỳ vọng hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức kỷ lục mới trong năm 2017 và 2018”, báo cáo của JLL nhận định.
Theo quan sát của hãng tư vấn này, hiện có hàng trăm triệu đô la đang chờ đợi để đổ vào thị trường trong nước. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và đáng chú ý nhất trong số đó là sự tăng trưởng giá trị mua lại cổ phần của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.