Điều hành CSTT đúng hướng, giữ ổn định vĩ mô
Linh hoạt các giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhất trí rất cao với báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày sáng nay. “Các báo cáo đó cũng nêu được những kết quả đạt được và tồn tại hạn chế để triển khai trong 6 tháng cuối năm”, Thống đốc nói.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo thêm về tình hình điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, Thống đốc cho biết, vừa qua Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp và có báo cáo đánh giá cụ thể tình hình gửi đến lãnh đạo Chính phủ.
“Hội đồng Tư vấn kiến nghị Chính phủ tiếp tục bám sát các định hướng lớn của Quốc hội, Chính phủ và kiên định với các mục tiêu, giải pháp chính sách đã đề ra từ đầu năm”, Thống đốc cập nhật thông tin, đồng thời khẳng định: Các đồng chí thành viên Hội đồng đều nhất trí rất cao những giải pháp điều hành của Chính phủ cũng như những định hướng đặt ra cho 6 tháng cuối năm và đề xuất trong thời gian tới vẫn tiếp tục lập trường chính sách như vậy và chưa phải xem xét điều chỉnh những chính sách vĩ mô của Chính phủ cũng như các giải pháp điều hành của các bộ, ngành.
Tham gia về giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, cụ thể là về lạm phát, Thống đốc cho biết, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rất rõ và NHNN khẳng định với địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, các giải pháp điều hành vĩ mô, đặc biệt là các giải pháp điều hành CSTT đã đi đúng hướng kiểm soát được lạm phát. Đặc biệt chúng ta đã neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát, cho nên lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm bình quân là 1,85% và chúng ta cũng kiểm soát tốt ở trong khoảng 1,8%. Điều đó cho thấy điều hành CSTT rất đúng hướng và giữ được ổn định các chỉ số và nền tảng vĩ mô.
“Chúng tôi khẳng định với giải pháp điều hành như vậy cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đặt ra từ đầu năm”, theo Thống đốc Lê Minh Hưng.
Chia sẻ thêm về hoạt động ngân hàng mà chủ yếu là về điều hành lãi suất, Thống đốc nhắc lại, ngay từ đầu năm 4 NHTM nhà nước đã thực hiện một cách rất quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay cho trong các lĩnh vực ưu tiên.
“Việc thực hiện giảm lãi suất cho vay không chỉ với khoản tín dụng cấp mới mà cả với khoản dư nợ tín dụng trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Điều này giúp giảm chi phí cho DN và là neo để giữ được ổn định lãi suất cho vay của hệ thống NH cho nền kinh tế. Chính vì vậy, 6 tháng đầu năm mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giữ ổn định và lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên được giảm ngay từ đầu năm.", Thống đốc phân tích thêm.
“Có thể nói những biến động trên thị trường quốc tế và khu vực trong 6 tháng đầu năm rất khó dự đoán nhưng chúng ta đã có chủ động linh hoạt các giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối”, Thống đốc nói về khó khăn trong điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta giữ được ổn định nên tỷ giá trung tâm điều hành 6 tháng đầu năm điều chỉnh chỉ 1%, còn tỷ giá thực tế giao dịch giữa các ngân hàng, liên ngân hàng chỉ mới điều chỉnh 0,3 – 0,4%%, mức kiểm soát rất tốt tình hình. Tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ.
Thống đốc cũng khẳng định: Thị trường biến động bên ngoài nhưng chúng ta hoàn toàn có đầy đủ công cụ để kiểm soát sự ổn định tỷ giá, giữ được các cân đối của nền kinh tế. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm chúng ta mua vào ngoại tệ rất lớn và đưa mức tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước cao nhất từ trước tới nay. Với tiềm lực như vậy, là cơ sở để các tổ chức tín nhiệm quốc tế vừa qua đã nâng hạng tín nhiệm cho xếp hạng Việt Nam, cũng như nâng hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng, điều này cũng tăng cường tiềm lực, tạo bước đệm để xử lý các tác động bất lợi từ bên ngoài.
Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực
Thông tin đến Hội nghị về điều hành tín dụng, Thống đốc cho biết, 6 tháng tín dụng tăng 7,33%, xấp xỉ với mức tăng năm ngoái; Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực, chúng tôi nhìn thấy hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đến từ lĩnh vực chế biến, chế tạo, xuất khẩu thì tín dụng trong các lĩnh vực này đều tăng rất khá.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, NHNN điều hành tín dụng cho nền kinh tế rất linh hoạt, và có điều chỉnh kịp thời để đảm bảo tín dụng đáp ứng đầy đủ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn kiểm soát được ổn định vĩ mô. Chúng ta phải khẳng định chất lượng tín dụng và đưa tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng lĩnh vực có thể phát sinh rủi ro” – Thống đốc nhấn mạnh.
Trước những kiến nghị của lãnh đạo một số địa phương về tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cụ thể là cho vay gỡ khó khăn do dịch tả lợn châu Phi, cho vay trồng tiêu ở khu vực Tây Nguyên, người đứng đầu ngành Ngân hàng cho biết, vừa qua NHNN đã phối hợp với một số địa phương, đặc biệt là Gia Lai để có đánh giá tác động của thời tiết gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng tiêu. NHNN cũng đã kiến nghị với địa phương có những giải pháp cùng ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn với bà con trồng tiêu nói chung và ở Gia Lai nói riêng.
Về diễn biến tháo gỡ khó khăn chăn nuôi, hiện nay dư nợ cho vay ngành chăn nuôi vào khoảng trên 51.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị tác động thiệt hại trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua khoảng 1.200 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã chủ động chỉ đạo các TCTD trong thẩm quyền của mình cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi, cũng như cho vay mới để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có các giải pháp tiếp theo và đang cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động nếu có của dịch tả lợn để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng địa phương xử lý tiếp”, Thống đốc chia sẻ thêm.
Cũng tại Hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng đã chia sẻ về giải pháp cho vay thu mua lúa gạo vụ Đông Xuân, đảm bảo giá lúa phù hợp hỗ trợ cho bà con sản xuất lúa gạo; những kết quả đạt được trong thanh toán không dùng tiền mặt…
Với những kết quả nêu trên, Thống đốc khẳng định: Thời gian tới, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục có các hoạt động cần thiết để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, địa phương bền vững cũng như đảm bảo cân đối vĩ mô giữ môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.