Vì sao sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô phải có điều kiện?
Tái cơ cấu kinh tế: Phải bắt đầu từ thể chế và con người | |
Đã đến lúc tái cơ cấu đầu tư xã hội | |
Đẩy nhịp cải thiện môi trường kinh doanh |
Ông Nguyễn Chí Dũng |
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trình Quốc hội chiều 9/11 có điểm mới là đã bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, cho rằng, đây là việc phải làm nếu không muốn mất đi ngành sản xuất ô tô…
Trong khi đang cởi mở tối đa cho DN, lý do nào để Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô?
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 đã đưa ra các định hướng cụ thể.
Theo đó, chúng ta phải “nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế” và “bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư”.
Đồng thời, hoạt động sản xuất lắp ráp và phân phối ô tô trong nước phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định tại Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN ngày 12/05/2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và tại Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ Công Thương quy định nhập khẩu xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống. Tuy nhiên, theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Việc thay đổi chính sách đối với sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, làm mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là việc bảo hành, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.
Do vậy, Chính phủ thấy cần thiết cần phải đưa ngành ô tô phát triển đúng định hướng đã đề ra. Ô tô hiện là sản phẩm kỹ thuật cao, có tác động lớn đến môi trường, đến con người và xã hội, cần phải đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.
Có ý kiến cho rằng, đưa ra quy định như vậy cũng là để bảo hộ ngành ô tô trong nước, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn non trẻ so với các nước, do đó quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào nhóm kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, xã hội và đất nước, không chỉ là để bảo vệ cho sản xuất ô tô trong nước mà còn để ngăn chặn nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác ô tô cũ, ô tô kém chất lượng.
Vậy các quốc gia khác có phát triển ngành này như Việt Nam hiện nay không, thưa ông?
Một số quốc gia láng giềng của chúng ta như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đều có những yêu cầu hết sức khắt khe với ngành này. Đơn cử như Thái Lan, để phát triển công nghiệp ô tô, năm 1978 chính phủ nước này cấm nhập khẩu xe nguyên chiếc để tạo động lực thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô trong nước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Kết quả là đến năm 2015, Thái Lan đứng thứ 12 trên thế giới về sản xuất ô tô.
Indonesia cũng cấm nhập khẩu xe nguyên chiếc, ưu đãi cho các nhà sản xuất ô tô sử dụng linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước và đến nay quốc gia này đã trở thành nước sản xuất ô tô lớn thứ 2 trong khu vực ASEAN. Malaysia cũng đi từ hạn chế nhập xe rồi cấm nhập khẩu một số linh kiện để phát triển ngành lắp ráp ô tô trong nước…
Nếu chúng ta không đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện thì 5 -10 năm tới Việt Nam sẽ mất ngành sản xuất ô tô trong nước và phải hoàn toàn phụ thuộc vào ô tô nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!