DN bán lẻ nội ngày một “teo tóp"
Bán lẻ Việt Nam: Cốc mò cò xơi? | |
DN bán lẻ nội vẫn khó cạnh tranh | |
Mặt bằng làm khó DN bán lẻ ngoại |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, tại Hội thảo “Giải pháp cho thị trường bán lẻ hàng Việt phát triển bền vững” diễn ra mới đây tại TP.HCM, khẳng định rằng thị trường nội địa theo cam kết hội nhập phải mở cửa cho tất cả các DN trong và ngoài nước phát triển, đó là quy luật tất yếu.
Trong tiến trình này, Chính phủ sẽ luôn hỗ trợ, tạo môi trường về mặt chính sách cho các DN phát triển, đặc biệt là các DN phân phối và sản xuất. DN Việt thường yếu hơn DN nước ngoài về mặt quy mô, năng lực tài chính và cả khả năng quản trị điều hành.
Và để khắc phục, phải nhận ra được đâu là cơ hội, phải có sự liên kết và mở rộng phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ để tạo thêm sức mạnh. Hiện tại, Chính phủ đã “thiết kế” quy hoạch và phân bổ nguồn lực để kêu gọi đầu tư và ưu tiên cho DN trong nước phát triển.
Cần có kế hoạch nâng tầm ngành bán lẻ Việt Nam |
Tuy nhiên ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Long Biên chuyên sản xuất chế biến hải sản lại cho rằng, thực chất Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như DN được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi, kích cầu tiêu dùng với chương trình “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”…
Song, thực tế những chính sách này còn những bất cập và chưa có tác động sâu rộng vào hệ thống phân phối bán lẻ của DN trong nước. Cụ thể, mặc dù đã có chương trình hỗ trợ đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị, nhưng nhiều siêu thị đòi chiết khấu quá cao khiến DN không thể “chen chân” vào được các chuỗi bán lẻ lớn này.
Chỉ rõ những khó khăn của thương mại nội địa, ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, phát triển thị trường nội địa gặp khó đầu tiên xuất phát từ các nhà kinh doanh bán lẻ Việt còn nhiều yếu kém, cũng như chưa ý thức được tầm quan trọng của hệ thống phân phối, chưa quan tâm tới vấn đề marketing, xây dựng thương hiệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh...
Vì vậy, cùng với những hỗ trợ từ phía nhà nước thì bản thân các DN cũng cần coi trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu song hành với nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Nhiều DN tại TP. HCM cho rằng, nên có những hành động cụ thể hỗ trợ những hệ thống bán lẻ của Việt Nam, cần nhắm đến đúng đối tượng thay vì hỗ trợ chung chung. Đặc biệt các DN Việt Nam cũng cần có sự liên kết với nhau, chia sẻ thông tin và đoàn kết lại với nhau để có tiếng nói chung, cùng nhau giải quyết khó khăn trong thị trường bán lẻ.
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Saigon Food, DN Việt hiện nay vẫn còn thiếu thông tin thị trường, một nguyên nhân dẫn tới dễ bị o ép. Một điều hết sức “nguy hiểm” nữa, là các DN Việt luôn coi thị trường trong nước là thị trường nhỏ, ít có đầu tư, coi bán hàng nội địa chỉ là để quảng bá…
Một nghịch lý nữa đó là cứ DN nào bán được hàng trong hệ thống bán lẻ, bán hàng lâu năm thì bị áp mức chiết khấu cao theo từng năm, khiến DN không chịu đựng được đành phải rút hàng khỏi hệ thống bán lẻ.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, chính việc hỗ trợ chưa bài bản, thiếu nhất quán đang đẩy ngành bán lẻ trong nước trở vào tình cảnh “teo tóp”. Đặc biệt là việc Việt Nam đang đứng trước ngưỡng của FTA và TPP thì rất cần phải quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ, qua đó áp dụng các quy tắc để ưu tiên các điểm bán lẻ cho DN trong nước.
Hiện nay, dù thị trường phát triển mạnh mẽ nhưng DN Việt đang phải cạnh tranh với sự đổ bộ của các DN bán lẻ nước ngoài như Tập đoàn Berli Jucket Plc (BJC) của Thái Lan đã mua 24 cửa hàng FamilyMart, đồng thời mua chuỗi Metro Việt Nam và mới đây là Central Group mua lại một nửa siêu thị Nguyễn Kim, Big C.
Ngoài ra, những nhà bán lẻ Nhật Bản là Aeon, và Hàn Quốc là Lotte mart cũng đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ đặt trung tâm bán lẻ tại Việt Nam. Cộng thêm việc giảm thuế của hàng nghìn mặt hàng về mức 0% - 5% khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, sẽ là một áp lực lớn cho DN Việt ngay tại sân nhà.