Bán lẻ Việt Nam: Cốc mò cò xơi?
Financial Times: Ngành bán lẻ Việt Nam hút vốn ngoại | |
Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử | |
Khủng hoảng kinh tế thế giới tạo cơ hội cho bán lẻ Việt Nam |
Đây có thể là một nỗi lo lớn khi thời gian qua, Nhà nước đã hỗ trợ cho các DN bán lẻ về đất đai, vị trí, cũng như chế độ chính sách thuế và vốn vay… nhưng điều đáng buồn là sau khi ổn định và phát triển hệ thống của mình, một số DN đã thẳng thừng bán hết cho DN nước ngoài. Điều này khiến cho các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phần nào mất đi ý nghĩa…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, Việt Nam đang có trên 90 triệu dân, lực lượng dân số trẻ chiếm hơn một nửa. Mức GDP trung bình của Việt Nam khoảng gần 2.000 USD/người. Trong tương lai, giá trị này sẽ ngày càng tăng và đó là tiền đề cho sự phát triển của bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ hiện đại.
Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, nhiều DN ổn định và phát triển nhưng lại bán hết cho nước ngoài |
Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường bán lẻ từ ngày 1/1/2009 đồng nghĩa là sự cạnh tranh sẽ tăng lên. Hàng loạt các DN nước ngoài đã và đang ồ ạt vào Việt Nam. Mới đây nhất, Tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc là Lotte đặt mục tiêu 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020 và Aeon, một "ông lớn" khác trong ngành bán lẻ Nhật Bản cũng mở trung tâm thương mại (TTTM) thứ 2 vào tháng 10/2014 đã không giấu ý định thống lĩnh thị trường Việt với mong muốn tới 2020 sẽ mở 20 TTTM tại Việt Nam.
Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan vừa mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỷ USD. Trước đó Tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Metro Việt Nam gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD…
Để hóa giải khó khăn của DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Nhà nước đã tạo nhiều điều kiện để các DN được tiếp cận vị trí đất đẹp, có nhiều ưu đãi về chính sách thuế và nguồn vốn. Bộ Chính trị đã mở Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm giúp các DN bán hàng, tăng doanh số, nâng cao năng lực cạnh tranh. Song sau một thời gian có nhiều luồng dư luận trái chiều khiến cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét lại việc hỗ trợ này bởi khi được hỗ trợ vị trí đẹp, nhiều DN ổn định và phát triển nhưng lại bán 100% cho nước ngoài.
“Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Hiệp hội bán lẻ và một số các nhà bán lẻ lớn. Cách đây 5 năm, các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ra yêu cầu rất chính đáng là Nhà nước cần có sự ưu đãi hỗ trợ DN vị trí đẹp để có hệ thống bán hàng, thậm chí về thuế, vay vốn ưu đãi…
Nhưng vừa qua chính những DN đó sau khi ổn định phát triển hệ thống của mình đã bán hết cho nước ngoài. Điều này chẳng khác nào yêu cầu Chính phủ đi ủng hộ và giúp cho hệ thống bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam?! Chính vì vậy, việc hỗ trợ DN bán lẻ cần phải tính toán lại và nhìn nhận một cách khách quan chứ không thể lúc nào cũng đề cập đến chuyện Nhà nước phải hỗ trợ cho DN bán lẻ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Ưu tiên song quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về DN, thậm chí người ta có thể bán 100% DN của mình. Phú Thái, Kinh Đô, Nguyễn Kim… là những ví dụ điển hình. Đó toàn là những ông rất lớn, được Chính phủ hỗ trợ rất nhiều, nhưng cuối cùng họ đã bán cho nước ngoài - Thứ trưởng Bộ Công Thương điểm danh thêm.
Không những thế, tính thụ động đang làm các DN bán lẻ nội yếu dần. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, giá của nhiều mặt hàng cao vô lý là do lỗi ở hệ thống phân phối. Nhiều siêu thị Việt Nam ngồi máy lạnh chờ người cung hàng đến, rồi ban phát cho vào siêu thị. Chúng ta không thể cạnh tranh được khi quả trứng gà ở Vĩnh Phúc ngon nhất cũng chỉ phân nửa giá bán tại siêu thị.
Song điều đáng buồn hơn là không có DN bán lẻ Nhà nước nào quan tâm thu mua cho người dân khiến sản xuất chết, người tiêu dùng thì bị móc túi. “Tôi đã dẫn thử một số DN muốn cung cấp hàng hóa cho siêu thị, nhưng siêu thị nội cũng có tình trạng ép chiết khấu thông qua tăng chi phí tạo mã, phí đầu kệ, phí sinh nhật… Siêu thị nội có hàng trăm tỷ đồng bình ổn nhưng giá vẫn cao hơn bên ngoài. Tôi cho là có lợi ích nhóm”, ông Phú nói.
Chính vì vậy, theo ông, chủ yếu là chúng ta tự hại chúng ta. Bởi sức ép của Thái, Úc, Mỹ… cũng chỉ 30%, 70% còn lại do chính chúng ta tự tạo ra. “Tôi đã kêu gọi phải có “Hội nghị diên hồng về bán lẻ” xem nó thế nào nhưng cứ bàn chung chung tất cả, nào là đòi hỗ trợ nhưng dư địa hỗ trợ đã không còn nữa, giờ là lúc phải cạnh tranh, nếu không DN sẽ bị phá sản”, ông Phú khuyến cáo.