DN nhỏ và siêu nhỏ cần làm gì để đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp?
Xuất khẩu gỗ: Tăng vượt dự báo nhưng tương lai “khó khăn hơn” | |
Xuất khẩu gỗ và nỗi lo rủi ro nguồn nguyên liệu | |
Để đồ gỗ được vào EU |
Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU. Hiệp định đã được Việt Nam và EU ký tắt ngày 11/5/2017, theo đó gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất sang EU phải chứng minh được nguồn gỗ hợp pháp. Đây là một hiệp định tác động đến mọi DN chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu gỗ và tác động đến cả triệu hộ gia đình trồng rừng.
Tuy nhiên, hơn 30 DN ngành gỗ và hộ gia đình trồng rừng cung cấp gỗ nguyên liệu tại Lâm Đồng có mặt tại Hội thảo Các quy định quốc tế về nguồn gốc gỗ và những ảnh hưởng đến kinh doanh của DN ngành gỗ tại Lâm Đồng còn đang rất băn khoăn về khả năng đáp ứng của DN với yêu cầu của hiệp định này.
Hội thảo do Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) và Trung tâm Con người và Môi trường Tây nguyên (COPE) tổ chức ngày 4/12/2017.
Bà Tô Kim Liên – Giám đốc CED cho biết, Hiệp định đưa ra 7 nguyên tắc về gỗ hợp pháp mà các DN sản xuất chế biến gỗ và các hộ gia đình sản xuất chế biến gỗ và trồng rừng phải tuân thủ: I: Khai thác gỗ trong nước tuân thủ các quy định về quyền sử dụng đất, sử dụng rừng, quản lý, môi trường và xã hội. II: Tuân thủ các quy định về xử lý gỗ tịch thu. III: Tuân thủ các quy định về nhập khẩu gỗ. IV: Tuân thủ các quy định về vận chuyển, mua bán gỗ. V: Tuân thủ các quy định về chế biến gỗ. VI: Tuân thủ các quy định về xuất khẩu. VII : Tuân thủ các quy định về thuế và người lao động. VII (Hộ gia đình): Tuân thủ các quy định về thuế.
Theo 7 nguyên tắc này, không chỉ đòi hỏi giấy tờ xác minh nguồn gỗ hợp pháp mà nếu hộ gia đình, nếu DN còn nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không tuân thủ tốt các quy định với người lao động, không bảo đảm các yêu cầu về môi trường, các quy định về hoàn trả môi trường… đều bị coi là “không đảm bảo hợp pháp”.
Bà Tô Kim Liên đặc biệt lưu ý các DN nhỏ và siêu nhỏ, bên cạnh các giấy tờ cần thiết về giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư và tuân thủ nghĩa vụ thuế đầy đủ, DN cần tuân thủ đầy đủ các quy định về lao động. Đó là thuê lao động có hợp đồng, người lao động phải có tên trong bảng lương và được tham gia công đoàn phí, có đóng công đoàn phí, có kế hoạch vệ sinh an toàn lao động… Có bảo biểm cho người lao động từ 1 tháng trở lên, có bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 3 tháng trở lên…
Tại hội thảo bà Tô Kim Liên và ông Phan Triều Giang (Giám đốc kỹ thuật của COPE) đã giới thiệu các nội dung chính của Hiệp định, những phần việc mà các sở, các ngành sẽ thực hiện.
Phác họa lại dòng chảy của gỗ và sự phức tạp của chuỗi cung ứng gỗ, từ rừng đến khâu chặt cây, tập kết gỗ, vận chuyển gỗ, sơ chế, chế biến thứ cấp đến kinh doanh xuất khẩu và bán lẻ sản phẩm… ông Phan Triều Giang đã chỉ rõ ở từng phân đoạn đều phải được kiểm soát. Ông cũng chỉ ra chuỗi hành trình sản phẩm trong một công ty từ mua nguyên liệu đến xẻ-sấy, lưu kho, chế biến lắp ráp thành sản phẩm, bán sản phẩm hay xuất khẩu…
“Mặc dù đi qua nhiều giai đoạn như thế nhưng gỗ và sản phẩm gỗ luôn phải truy xuất được về nguồn gốc gỗ”, ông Giang lưu ý. Ông cũng nhấn mạnh: Tại bất kỳ giai đoạn nào trong chuỗi cung ứng mà nguyên liệu không được kiểm soát, không xác minh được tính hợp pháp thì sẽ ảnh hưởng đến tính hợp pháp của sản phẩm cuối cùng.
Bà Sỳ Dầu Xiềm đến từ Công ty TNHH Thảo Vân cho biết ở Hội thảo này bà mới biết về Hiệp định VPA và những tác động của nó. Thảo Vân là DN chế biến ván gỗ và thường bán sản phẩm cho các DN ở TP. Hồ Chí Minh. Việc chứng minh về nguồn gốc gỗ thì DN không ngại nhưng DN không thể đáp ứng quy định lao động một tháng cũng phải có hợp đồng lao động, cũng phải được đóng bảo hiểm.
“Năm nào vào vụ cà phê chúng tôi cũng bị thiếu lao động ghê gớm. Lao động không muốn ký hợp đồng, họ cũng không làm đủ cả tháng, phần nhiều là họ làm công nhật, khi có người thuê hái cà phê là họ đi”, bà Xiềm cho biết. Đây là tình trạng chung của DN ngành gỗ ở tỉnh Lâm Đồng. DN chỉ có thể trả mức lương cao nhất là 300.000 đồng/ngày/công nhân tay nghề cao, còn lao động phổ thông là 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày nhưng đi hái cà phê thì được trả công tới 500.000-600.000 đồng/ngày.
Ông Ngô Miền đến từ Công ty TNHH một thành viên Đơn Dương khẳng định rằng DN đã sẵn sàng về tính hợp pháp của gỗ nhưng tỏ ý băn khoăn về khâu thực thi và phổ biến các quy định liên quan đến hiệp định, ông cũng băn khoăn nhiều về hệ thống cấp phép và phân loại DN.
Theo VPA, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (VNTLAS) để xác minh gỗ xuất khẩu là gỗ hợp pháp và EU chỉ chấp nhận gỗ hợp pháp được cấp phép FLEGT nhập khẩu vào EU khi VPA được ký kết và hệ thống cấp phép đi vào vận hành. Việt Nam khi đó sẽ chỉ xuất khẩu sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT vào thị EU. Phía EU cũng sẽ chỉ cho phép gỗ Việt Nam vào EU nếu gỗ đó có giấy phép FLEGT có hiệu lực.
EU là thị trường nhập khẩu gỗ và đồ gỗ lớn của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu năm 2016 lên tới 800 triệu USD trong tổng số 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. VPA – Fleg được chờ đợi đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì cũng có khả năng mang lại những tác động không mong muốn. Vì vậy các DN mong chờ được có thông tin nhiều hơn, đầy đủ hơn về nội dung của Hiệp định và các thủ tục liên quan để DN chuẩn bị sẵn sàng nhằm tận hưởng cơ hội, gia tăng lợi ích và giảm thiểu tác động tiêu cực.