Xuất khẩu gỗ: Tăng vượt dự báo nhưng tương lai “khó khăn hơn”
Xuất khẩu hoa quả sang EU tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2017 | |
Xuất siêu 330 triệu USD trong 9 tháng đầu năm | |
Xuất khẩu gỗ và nỗi lo rủi ro nguồn nguyên liệu |
Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào 5 thị trường này chiếm gần 90% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ vào tất cả các thị trường.
Năm 2016 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 6,8 tỷ USD |
Trong khi dự báo của các cơ quan chức năng kim ngạch xuất khẩu gỗ và thị trường gỗ năm 2017 khả quan nhất là được 7 tỷ USD. Nhưng xuất khẩu vào 5 thị trường truyền thống đã tăng mạnh với tốc độ tăng tới 11%/tháng. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tính đến tháng 9 được 5,9 tỷ USD.
Phân tích về 5 thị trường này, ông Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) cho biết, Hoa Kỳ là thị trường quan trọng nhất. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm (chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ) và đang liên tục tăng. Kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ tính đến cuối tháng 6/2017 đã được 1,45 tỷ USD. Hoa Kỳ cũng là thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam (sồi, dương, óc chó, tần bì, anh đào và thông) với giá trị hàng năm lên tới trên 200 triệu USD.
Trung Quốc là thị trường đặc biệt quan trọng cả về tiêu thụ lẫn cung cấp nguyên liệu với kim ngạch 2 chiều vào khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc vẫn tăng lên, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng 2017 đạt trên 554 triệu USD, tăng 26% so với kim ngạch 6 tháng cùng kỳ của năm 2016, trong đó 80% là gỗ nguyên liệu. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đang tăng lên, từ 0,26 tỷ USD năm 2015 lên 0,3 tỷ USD năm 2016. Trong 6 tháng đầu 2017, giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 0,18 tỷ USD.
Sau Hoa Kỳ và Trung Quốc là Nhật Bản với kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Việt Nam tới 1 tỷ USD mỗi năm nhưng xuất khẩu sang Việt Nam chỉ dưới 10 triệu USD/năm.
Tiếp theo là EU - hàng năm kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và EU lên tới khoảng 800-900 triệu USD, với khoảng 80% trong đó là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ. 20% còn lại là kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU, chủ yếu là gỗ nguyên liệu.
Hàn Quốc là thị trường thứ 5. Kim ngạch xuất, nhập gỗ giữa 2 nước lên tới 500-600 triệu USD mỗi năm. Trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Hàn Quốc chiếm tới 98%, Việt Nam nhập khẩu gỗ từ Hàn Quốc chỉ khoảng 10 triệu USD/năm. 65-70% kim ngạch xuất khẩu vào Hàn Quốc là gỗ nguyên liệu. Xuất khẩu gỗ nguyên liệu từ Việt Nam sang Hàn Quốc có xu hướng liên tục mở rộng, tăng từ 0,32 tỷ USD (2015) lên 0,4 tỷ USD (2016). Trong 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch đạt 0,22 tỷ USD.
“Với vai trò quan trọng như vậy, tăng trưởng ở 5 thị trường này là động lực chính cho phát triển ngành gỗ. Tuy đều đang tăng nhanh lượng nhập khẩu từ Việt Nam và tăng vượt dự báo nhưng ở 5 thị trường này đã có sự thay đổi chính sách và sẽ tác động mạnh đến ngành gỗ Việt Nam”, ông Tô Xuân Phúc khuyến cáo.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ theo thị trường. (Nguồn: Phân tích của VIFORES, FPA BD, HAWA và FOREST TRENDS từ số liệu Hải quan Việt Nam) |
Ở Hoa Kỳ, bên cạnh đạo luật Lacey đòi hỏi nguồn gốc hợp pháp còn có chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu hàng hóa. Chính sách này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các sản phẩm gỗ của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Còn Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam cả trên phương diện các thị trường tiêu thụ và các nguồn cung gỗ nguyên liệu.
Nhật Bản thông qua Đạo luật về tăng cường phân phối và sử dụng gỗ khai thác hợp pháp (hay còn gọi là Đạo luật gỗ sạch), Hàn Quốc gần đây thông báo Đạo luật sử dụng gỗ bền vững có hiệu lực từ 22/9/2017. EU đã áp dụng kế hoạch hành động tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và buôn bán gỗ FLEGT… Tất cả các chính sách này đều đòi hỏi gỗ và sản phẩm gỗ khi nhập khẩu phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, xuất khẩu gỗ có thể sẽ khó khăn hơn. Xu hướng xuất khẩu vào EU cho thấy thị trường đang co hẹp nhưng kim ngạch nhập khẩu từ EU tăng mạnh.
“Tăng cường cơ hội, giảm thiểu rủi ro là chiến lược phát triển lâu dài, loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao là việc làm cấp bách của DN, của ngành gỗ Việt”, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Một hy vọng nữa là Việt Nam và EU đã kí tắt Hiệp định Đối tác tự nguyện (gọi tắt là FLEGT VPA). Hiệp định này sẽ tác động mạnh tới mọi đối tượng từ người trồng rừng, DN nhập khẩu gỗ đến DN chế biến, xuất khẩu gỗ, buộc phải hợp pháp từ trồng rừng đến khai thác, vận chuyển và chế biến và xuất khẩu gỗ. Hiệp định đang mang lại nhiều kỳ vọng cho triển vọng xuất khẩu gỗ vì tuân thủ được các quy định của Hiệp định cũng có nghĩa gỗ và sản phẩm gỗ Việt có đủ tính hợp pháp để vào được các thị trường khác. I Các DN ngành gỗ và cơ quan chức năng đang chờ đợi hiệp định sẽ sớm được ký chính thức.