DN siêu nhỏ bơ vơ như trẻ mồ côi
Hỗ trợ DNNVV: Phải tính toán đến nguồn lực quốc gia | |
Gỡ nút thắt cho sản xuất nhỏ | |
Thay đổi cách thức hỗ trợ đầu tư |
Một lần nữa, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lại được đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Trung ương các hiệp hội DN tổ chức ngày 13/4/2017.
Phiên bản dự thảo mới nhất này là phiên bản thứ tư, song nhiều ý kiến phát biểu cho rằng vẫn không thể đi vào đời sống. Dường như các ý kiến đều đã giảm nhiệt tình vì… chán! Và vì DN cần bình đẳng và đàng hoàng, cần được bảo vệ chứ không cần hỗ trợ.
Hơn 3 triệu hộ kinh doanh cá thể đáng khích lệ để trở thành DN. Nguồn: WB |
Muốn hỗ trợ phải giấu từ “hỗ trợ” đi
“Tôi thấy quá buồn vì nó (dự thảo luật) giống như một bài văn mẫu, làm cho có, dài, hoành tráng nhưng không khả thi. Giả sử luật này có sửa một số điều 29, điều 7,... cũng không thể đi vào đời sống”, TS.Phan Đăng Tuất - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát biểu.
Ông Tuất không đồng tình với từ “hỗ trợ” trong tên gọi của dự thảo luật này. Bởi dù phần lớn DN hiện nay là DN nhỏ và siêu nhỏ đang yếu ớt nhưng họ không cần hỗ trợ mà đang cần kinh doanh sòng phẳng đàng hoàng để tự nâng cao năng lực, và họ muốn đàng hoàng để có trách nhiệm với đất nước.
Điều DN cần không phải là “hỗ trợ” mà cần sự bảo vệ. “DNNVV rất đàng hoàng nhưng rất đáng thương trong thời hội nhập”, ông Tuất xúc cảm nói. Hiện DN Việt Nam đang bị thương lái ép giá, chèn đủ trò mà không ai bảo vệ, đang bị các hàng rào bảo hộ ngăn cản, bị cạnh tranh bất chính và vẫn bị “hành là chính” ngay trên đất nước mình.
“Tôi cực kỳ lo ngại về chữ “hỗ trợ” bởi tất cả các FTA song phương và đa phương đều tối kị chữ “hỗ trợ”. Các Chính phủ khôn khéo nếu muốn hỗ trợ người ta phải giấu cái chữ hỗ trợ đi”, ông Tuất phát biểu. Hơn nữa, theo ông, cả chủ thể hỗ trợ và khách thể hỗ trợ nêu trong dự luật cũng không hợp lý. Theo dự luật, cả Chính phủ, các bộ, ngành, UBND, HĐND các tỉnh, VCCI… đều phải có nhiệm vụ hỗ trợ các DNNVV. Và dự luật đưa ra những bảy “món” hỗ trợ, từ đất đai, thuế, tín dụng, công nghệ… “Đây là một thứ lẩu không bình thường. Bảy món này, nếu chiếu theo luật thì không “đè” được lên các luật về thuế, đất đai...” - ông Tuất nói.
Một người đầy nhiệt huyết như Luật sư Trương Thanh Đức, khi được báo chí đề nghị có thêm ý kiến cho dự thảo cũng cho biết đã góp ý dự thảo Luật này lần thứ năm, nhưng vẫn phải góp ý tiếp.
Hộ gia đình đang lửng lơ, DN siêu nhỏ thì bơ vơ
Trước hết, theo Luật sư Đức, cần xác định rõ và thiết kế theo đúng nguyên tắc, hỗ trợ thật sự cần thiết, có trọng tâm, không dàn trải, vì nguồn lực rất hạn chế. Phần lớn DN hiện nay không phải là nhỏ hay vừa, mà là siêu nhỏ. Nhưng Dự thảo Luật lại không tách riêng DN siêu nhỏ, mà nhập chung vào loại DN nhỏ, như vậy DN siêu nhỏ vẫn không được quan tâm thoả đáng. Bên cạnh đó là hộ kinh doanh – đây chính là một dạng DN siêu nhỏ nên rất cần hỗ trợ và cần được đưa vào luật. Như hiện nay hộ kinh doanh đang rất lửng lơ, và họ chính là đối tượng cần hỗ trợ nhất để trở thành DN – như thông điệp Thủ tướng đã yêu cầu.
“Cần phân biệt giữa các đối tượng DN có sự hỗ trợ khác nhau, thậm chí cần xem xét bỏ việc hỗ trợ đối với DN vừa (nhất là tiêu chí xếp hạng DN vừa theo Dự thảo đúng ra có thể coi là DN lớn), chỉ hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có các hộ kinh doanh”, ông Đức nói và nhấn thêm: “Cần đặc biệt lưu ý, DN siêu nhỏ gần như không có người đỡ đầu, không tham gia VCCI và các Hiệp hội DN, vì vậy vị thể trên thực tế giống như vừa là “trẻ em” vừa là “mồ côi”.
Về hỗ trợ giảm thuế thu nhập DN, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cần thống nhất nguyên tắc hỗ trợ gián tiếp, không hỗ trợ trực tiếp. Do đó không nên giảm thuế suất thuế thu nhập DN. Cần xác định rõ luật chơi công bằng, DN nhỏ có lãi nhiều để nộp thuế nhiều, lãi ít nộp ít, không lãi không nộp. “Mục tiêu phải là hỗ trợ DN nhỏ lãi nhiều để nộp nhiều, chứ không nên tạo ra sự mất công bằng, dẫn đến việc cứ thích là DN nhỏ, vì nhỏ là có lợi.
Nhìn chung, toàn bộ gần 40 điều luật của Dự thảo hầu như mới chỉ là quy định mang tính nguyên tắc chung chung, chưa có gì cụ thể, chưa thực hiện được, mà hoàn toàn phụ thuộc vào quy định sau này của Chính phủ, hướng dẫn, đề xuất của các bộ, ngành và rất khó thực hiện (vì khó nên chưa ấn định được trong Luật).
Tuy nhiên, riêng quy định về trách nhiệm của Hội DN nhỏ và vừa tại khoản 2, Điều 29 về “Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề” thì lại quá cụ thể, chi tiết, không cần thiết, ít tính pháp lý và chưa từng có như “Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức sự kiện tôn vinh, bình chọn, phong, tặng danh hiệu, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng cho các DNNVV”.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa cho rằng, điều 29 của dự thảo Luật về trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội DNNVV và các hiệp hội ngành nghề dễ gây cơ chế xin - cho, không bao quát được các DN đang thực sự cần được hỗ trợ, nhất là DN ở địa phương. Có ý kiến đề nghị nên gọi tên là "Luật phát triển DNNVV" để phù hợp hơn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.