Gỡ nút thắt cho sản xuất nhỏ
Thay đổi cách thức hỗ trợ đầu tư | |
“Lên đời” hộ gia đình | |
Chỉ còn cửa tiến, không có đường lui |
“Bà đỡ” cho DN nhỏ
Hàng trăm DN, hợp tác xã có mô hình hoạt động bài bản, đầu tư chuyên nghiệp đã được hình thành ở nhiều địa phương để thí điểm thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây hứa hẹn sẽ là mô hình đầu tư hiệu quả để nhân rộng trên cả nước nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.
Thông tin trên mới được cập nhật tại hội nghị “Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 2/3.
Sẽ thu hút đầu tư bài bản để phát triển ngành nghề nông thôn |
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quang Ninh cho biết, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là một bài toán khó đối với lãnh đạo địa phương trong suốt nhiều năm qua. Cũng như các tỉnh bạn, Quảng Ninh đã tạo mọi cơ chế thông thoáng để mời gọi DN tham gia vào sản xuất nông nghiệp.
Nhưng, DN lớn chỉ quan tâm tới những vùng diện tích lớn, sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực, còn những khu vực vùng sâu vùng xa, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì vẫn khó có thể thu hút đầu tư.
Trước khó khăn trên, tỉnh Quảng Ninh đã tham khảo các mô hình của Nhật Bản, Thái Lan… để ứng dụng. Giải pháp được triển khai là tập trung sản xuất mỗi xã một sản phẩm đặc trưng, tổ chức thực hiện bài bản; cùng với đó là các cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương…
Chỉ sau 3 năm tổ chức thực hiện chương trình OCOP, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 180 DN, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia chương trình, với tổng vốn đăng ký hơn 117 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Doanh số bán hàng của các tổ chức nêu trên trong vòng 3 năm đạt 672,3 tỷ đồng. Với thị trường tiêu thụ sẵn có, các sản phẩm này được tỉnh Quảng Ninh xúc tiến xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch…
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh cho biết, DN mới hoạt động được 3 năm, cũng là thời gian tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh. Là DN quy mô nhỏ đi lên từ hộ gia đình, bà Hiền chia sẻ, ổn định sản xuất đã khó, phát triển thị trường còn khó gấp 10 lần. Nếu không có sự kết nối, hỗ trợ của tỉnh thì thời gian tìm kiếm thị trường của DN có thể mất đứt 1-2 năm, thậm chí là nhiều hơn. Nhưng qua các kênh hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, thời gian đã rút ngắn lại chỉ còn 1/3, giúp DN khởi nghiệp này nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ những thành công bước đầu, ông Hậu cũng nhấn mạnh, đây là chương trình phát triển kinh tế có thể ứng dụng và tháo gỡ được các nút thắt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở một tỉnh như Quảng Ninh. Trong đó, chủ thể là người dân, có sự hợp tác bằng các mô hình tổ chức kinh tế cộng đồng như DNNVV, mô hình hợp tác xã, Nhà nước làm “bà đỡ” bằng hỗ trợ chính sách, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại.
Việc quảng bá rộng rãi các sản phẩm sẽ làm tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương, từ đó tái đầu tư nâng cao chất lượng để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh sản phẩm. Sự xuất hiện các sản phẩm của làng, xã trên thị trường cũng góp phần thu hút khách du lịch đến các địa phương ngày càng đông đảo hơn...
Lực hút đầu tư vào nông nghiệp
Ngoài tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2008, Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm ở một số địa phương mô hình OCOP. Về hình thành sản phẩm đặc trưng, hàng thủ công mỹ nghệ đã trở thành mặt hàng chủ lực của làng nghề. Đến nay có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân 8,8-9,8%...
Mô hình này cũng thu hút các DN, hợp tác xã tham gia rất tích cực. Đến nay, cả nước đã có 56.109 DN, 797 hợp tác xã, 119 tổ hợp tác và 329.514 hộ gia đình tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân của làng nghề khoảng 15%/năm; tổng doanh thu năm 2015 từ các hoạt động ngành nghề nông thôn của các tỉnh, thành phố đạt trên 1 triệu tỷ đồng...
Từ năm 2000, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm. Hoạt động sản xuất của làng nghề đã thu hút 30% lao động và tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động nông thôn, với thu nhập ngày càng được nâng cao…
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, phát triển ngành nghề nông thôn đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều nghề truyền thống được khôi phục và phát triển; một số nghề phi nông nghiệp mới đã được mở mang. Đặc biệt, một số địa phương đã phát triển thành công nghề truyền thống ra diện rộng, như nghề cói ở Ninh Bình từ địa bàn gốc (huyện Kim Sơn) đã lan đến các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan, thu hút hơn 20 DN hợp đồng đầu tư sản xuất và tiêu thụ, từ sản phẩm chủ yếu là chiếu cói đã phát triển thêm nhiều loại sản phẩm xuất khẩu...
Nhận thấy những hiệu quả toàn diện của mô hình này, Bộ NN&PTNT sắp tới sẽ ban hành Kế hoạch hành động phát triển chương trình OCOP. Theo đó, mỗi địa phương (làng, xã), tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh lịch sử, lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương để phát triển. Dự kiến sẽ có 6 nhóm sản phẩm gồm thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; đồ lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Để đảm bảo triển khai chương trình OCOP hiệu quả, định hướng hỗ trợ của Nhà nước tập trung vào một số nội dung gồm hỗ trợ tư vấn và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; hỗ trợ quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ cải tiến công nghệ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, xử lý môi trường, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường…; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.
“Đây sẽ là mô hình hiệu quả để thu hút nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhằm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.