Thay đổi cách thức hỗ trợ đầu tư
“Lên đời” hộ gia đình | |
Chỉ còn cửa tiến, không có đường lui | |
Ba rào chắn cạnh tranh trên sân nhà |
Mặc dù đã qua nhiều vòng tham vấn ý kiến với không ít nội dung sửa đổi, cho tới nay vẫn còn một số quan điểm “lấn cấn” trước dự án Luật Hỗ trợ DNNVV. Các băn khoăn chủ yếu xoay quanh 2 chữ “hỗ trợ”, với vấn đề đặt ra là các biện pháp thúc đẩy khối DNNVV trong nước cần được tiến hành như thế nào để không bỏ sót đối tượng, song cũng không tràn lan khiến DN ỷ lại vào Nhà nước?
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, bản cập nhật của dự thảo luật đã có một số điểm sửa đổi so với dự thảo trình Quốc hội. Theo đó, luật được thiết kế tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn giúp DNNVV ổn định sản xuất kinh doanh.
Các nội dung hỗ trợ bao gồm hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ theo mục tiêu, trong đó Chính phủ quy định chi tiết phù hợp nguồn lực từng thời kỳ. Đối tượng hỗ trợ sẽ được giới hạn, có trọng tâm, trọng điểm và tập trung hỗ trợ DNNVV theo các mục tiêu: chuyển đổi từ hộ kinh doanh; khởi nghiệp sáng tạo; tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị...
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn chưa thấy thỏa mãn với các điều chỉnh hiện nay. Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng cần mở rộng tiêu chí xác định DNNVV để không bỏ sót đối tượng xứng đáng được hưởng hỗ trợ. Hiện nay, tiêu chí xác định được dựa trên tổng nguồn vốn của DN nhỏ hơn 100 tỷ đồng hoặc số lao động bình quân năm ít hơn 300 người. Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị cần bổ sung thêm tiêu chí doanh thu. Theo đó, DNNVV được xác định là có doanh thu hàng năm nhỏ hơn mức 250-300 tỷ đồng.
Cũng góp ý về định nghĩa và tiêu chí xác định DNNVV, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng cần thu hẹp để loại bỏ một số đối tượng ra khỏi diện hỗ trợ của luật. Bởi nếu quy định như hiện nay thì trong luật sẽ có cả đối tượng DN FDI và DNNN, như vậy là không phù hợp với tinh thần của luật.
Về chính sách ưu đãi, bà Hằng lưu ý, dự thảo luật hiện nay vẫn đang lạm dụng công cụ thuế để tạo ra ưu đãi cho DN. Trong khi đó, nội dung ưu đãi và điều kiện để được hưởng ưu đãi vẫn chưa rõ ràng, khiến chính sách nhiều nhưng không vào được cuộc sống. Với cách phân tầng hỗ trợ thuế như hiện nay, bà Hằng ví von chính sách được thiết kế theo kiểu lỗ xảo, các DN cứ như hòn bi lăn trên đó, lọt được vào lỗ nào thì hưởng ưu đãi đó.
“Mỗi chính sách là một lỗ như vậy tạo ra khó khăn cho chính người làm công tác về thuế, xảy ra tình trạng DN phải nhờ người phụ trách thuế tính toán xem có thể hưởng ưu đãi gì chứ không thể chủ động hoạch định theo hướng phát triển của DN”, bà Hằng phân tích.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ có mục tiêu hiện cũng vẫn được quy định rất mông lung. Đơn cử như hỗ trợ DN tham gia vào chuỗi giá trị hiện không rõ khái niệm chủ thể là ai để được nhận hỗ trợ. Bởi một khi đã là chuỗi giá trị thì sẽ liên quan đến sản phẩm trong chuỗi liên kết toàn cầu, dù có xuất khẩu hay không cũng dễ dính tới kiện chống bán phá giá. Vì vậy với nội dung này, các quy định trong luật có nguy cơ vi phạm nguyên tắc của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết.
Một số nội dung khác như hỗ trợ xây dựng vườn ươm DN bằng cấp bù lãi suất, theo Tổng thư ký của VCCI là công cụ lỗi thời. Bà Hằng nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn hình thành sản phẩm thì ngân hàng chắc chắn khó tham gia vì rủi ro lớn. Vì vậy, các quốc gia cấp thẳng tiền ngân sách cho các vườn ươm này, thành công hay không thì phải chấp nhận, chứ không thể dàn trải theo kiểu huy động nguồn lực mỗi nơi một chút…
Trước nhiều ý kiến chưa đồng thuận, đại diện cho cơ quan chủ trì thẩm định dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự thảo luật sẽ còn được tham vấn ý kiến các bên để đảm bảo minh bạch, khách quan. Ông khẳng định, 7 nguyên tắc xoay quanh luật này sẽ được quán triệt: phù hợp chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng; hỗ trợ không bao cấp; phù hợp khả năng ngân sách; hỗ trợ có trọng tâm không dàn trải; đảm bảo hệ thống pháp luật đồng bộ; đảm bảo tính cụ thể; đảm bảo tính khả thi.