Doanh nghiệp thủy sản hy vọng vào năm 2019
Cơ hội rộng mở với ngành thủy sản | |
Cá tra - kỳ vọng tăng trưởng mạnh | |
Vươn ra biển |
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, ngành thủy sản đã trải qua một năm 2018 đầy khó khăn thách thức và kéo dài đến năm 2019 này.
Đó là các rào cản của thị trường xuất khẩu như thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn; hay mới nhất là Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ (SIMP); vấn đề thẻ vàng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) của Liên minh châu Âu (EU); việc tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản và Hàn Quốc. Cùng với đó, sự bất ổn của thị trường Trung Quốc đã khiến doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều rủi ro trong xuất khẩu.
Ngoài ra, còn là vấn đề khó khăn từ nội tại như sự biến đổi khí hậu, giá thành nguyên liệu đầu vào cao, sự cạnh tranh nội bộ chưa lành mạnh… Tuy nhiên, việc kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục (gần 9 tỷ USD/2018) được ghi nhận là thành công lớn, mang đến kỳ vọng năm 21019 này, thủy sản xuất khẩu sẽ đạt mục tiêu 10 tỷ USD đã đề ra.
Toàn cảnh xuất khẩu thủy sản cho thấy, trong từng nhóm hàng cụ thể đều có sự thành công nhất định |
Theo ông Ngô Văn Ích, toàn cảnh xuất khẩu thủy sản cho thấy, trong từng nhóm hàng cụ thể đều có sự thành công nhất định. Đó là, cá tra với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc (đạt 2,26 tỷ USD/2018, tăng 26% so với 2017), trở thành mặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh nhất so với nhóm các sản phẩm thủy sản chính. Sự bứt phá này là do kiểm soát tốt tình hình nuôi, chú trọng hơn vào chất lượng cá thành phẩm. Tiếp đến là giá cá tra nguyên liệu tăng, nguồn cung thiếu đã góp phần làm cho giá xuất khẩu tăng mạnh.
Các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ có nhiều thuận lợi, giúp việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ phục hồi lại vị trí đứng đầu. Các thị trường khác như Trung Quốc, EU đều có sự tăng trưởng ổn định, góp phần đưa kim ngạch cá tra có mức tăng trưởng tốt. Nhóm hải sản mặc dù phải chịu thẻ vàng IUU của EU, nhưng cũng đã thành công với giá trị xuất khẩu tăng trưởng ổn định (cá ngừ xuất khẩu tăng 10%, mực và bạch tuộc tăng 7%).
Thị trường tiêu thụ lớn nhất của hải sản vẫn là EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Riêng mặt hàng tôm xuất khẩu bị sụt giảm do nhu cầu tiêu thụ của một số thị trường lớn là Mỹ, Canada… giảm mạnh; cùng đó, các quốc gia xuất khẩu tôm nhiều như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... lại được mùa, khiến giá tôm trên thị trường thế giới giảm mạnh 20%. Điều này khiến tôm Việt Nam chịu cạnh tranh gay gắt về giá và chất lượng.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản của Vasep, trong năm 2019 ngành thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế nhất định. Cụ thể là các doanh nghiệp đã tích cực tăng cường công tác quản lý chất lượng, đổi mới công nghệ sản xuất, nhằm cung cấp các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm chất lượng cao phục vụ các đối tượng khách hàng cao cấp. Trong từng nhóm hàng riêng rẽ, xuất khẩu cá ngừ còn dư địa và có thể tận dụng lợi thế và thuế quan từ các hiệp định thương mại đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước. Dự kiến giá trị xuất khẩu cá ngừ sẽ đạt 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2018.
Dù thẻ vàng của EU chưa được dỡ bỏ, song Việt Nam có thể xuất khẩu sang EU 420 triệu USD, tăng 8% so với 2018 nếu đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng khác như mực, bạch tuộc và cá biển. Bên cạnh tập trung tháo gỡ thẻ vàng, ngành thủy sản đang có lợi thế ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) để tăng xuất khẩu sang khối thị trường này. Những thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... cũng được dự báo sẽ tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu, do nhu cầu tiêu thụ tăng (xuất khẩu sang Nhật dự kiến tăng 27%. Hàn Quốc tăng 27%. Thị trường Mỹ tăng 10% và các nước khối ASEAN dự kiến tăng 18%...).
Tuy có dư địa là vậy, song ngành thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2019, bởi hiện nay Mỹ đã áp dụng Chương trình SIMP với 12 loài thủy sản. Theo đó, quy định sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ phải tuân thủ theo bộ quy tắc mới về truy xuất nguồn gốc. Cụ thể là dữ liệu của toàn bộ quá trình từ nuôi trồng hay đánh bắt đến khi nhập khẩu, phải được khai báo và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NOAA).
Do đó, việc thu mua nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu của thị trường này trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp đang phải gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới…