Doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
“Khoảng trống” trong chuỗi cung ứng toàn cầu | |
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là thách thức | |
Thay đổi để tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu |
Việt Nam hiện đang thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, mở rộng xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư để hỗ trợ các DN trong nước vươn ra thế giới.
Ảnh minh họa |
Với những bước tiến trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư nước ngoài, Việt Nam chính là “miền đất hứa”, thu hút số lượng lớn các DN trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất. Ước tính hiện có hơn 10.000 công ty nước ngoài, bao gồm cả các công ty lớn trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam và có xu hướng ngày càng phát triển, mở rộng hoạt động.
Điển hình như gần đây, LG đã chính thức tuyên bố chuyển nhà máy điện thoại từ Hàn Quốc sang Việt Nam, dự kiến thay đổi này sẽ giúp tăng công suất hàng năm của nhà máy điện thoại thông minh tại Việt Nam lên 83%, tương ứng với 11 triệu thiết bị từ nửa cuối năm 2019. “Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam đang dần được công nhận, hứa hẹn nâng tầm vị thế đất nước trong lĩnh vực sản xuất trong một tương lai gần”, ông Phan Ngân - Giám đốc Dự án (Công ty Reed Tradex Vietnam) chia sẻ.
Cùng với đó, số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 630 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD-mức đầu tư cao thứ 2 tính đến hiện tại. Theo kết quả khảo sát mới nhất, khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian từ 1 đến 2 năm tới, có gần 70% DN Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam đều muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, các DN đang gặp khó khăn là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp. Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng Đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của DN Nhật Bản tại Việt Nam là 36,3%. Tuy có tăng hàng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ tại Trung Quốc là 66%, Thái Lan là 57%. Vì vậy, DN buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho DN, gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong ngành công nghiệp hỗ trợ, phần lớn là các DNNVV. Tuy nhiên, lại đang tồn tại những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV ở Việt Nam. “Nếu giải quyết được những vấn đề trên thì sẽ có ngày càng nhiều DN Nhật Bản chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam”, ông Hironobu Kitagawa cho hay.
Theo ông Phan Ngân, các DNNVV đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng cũng như trong nền kinh tế Việt Nam khi chiếm 98% tổng số DN, đóng góp đến 40% GDP. Tuy nhiên, nhóm này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thiếu tiềm lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Để Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực Đông Nam Á, các DN trong ngành cần cùng nhau nỗ lực phát triển mạng lưới đối tác, phân phối kinh doanh, đồng thời thúc đẩy đưa các ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng, tạo nên sự bao phủ và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhằm hỗ trợ nhóm các DNNVV, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) quyết định thực hiện Dự án Liên kết giữa các DNNVV (LinkSME) trong giai đoạn 2018 - 2023 với tổng ngân sách dự kiến là 22,1 triệu USD. Dự án có mục tiêu củng cố mối quan hệ nhà cung cấp - bên mua giữa các DNNVV và các công ty đa quốc gia tại Việt Nam nhằm giúp các DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như USAID, để khu vực các DNNVV phát triển bền vững, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ xóa bỏ những rào cản, cụ thể hóa nhiều giải pháp hỗ trợ, nổi bật là Luật Hỗ trợ DNNVV. Các DNNVV nên tích cực tận dụng lợi thế cạnh tranh sẵn có cùng các chính sách để tạo ra một đòn bẩy giúp tăng cường vị thế ngành sản xuất trước cuộc CMCN 4.0.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) chia sẻ: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ giao Bộ Công thương tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như dệt may, da giày, điện tử…”.