Dự báo tăng trưởng cả năm khoảng 6,3-6,4%, lạm phát khoảng 4%
Phải có giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5% | |
Điều hành CSTT đã góp phần tích cực kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng | |
Tăng học phí đẩy CPI tháng 9 bật tăng 0,54% |
Nguồn: NFSC |
Tăng trưởng ngắn hạn hồi phục, tăng trưởng dài hạn vẫn tích cực
Nhìn lại diễn biến kinh tế trong quý 3 vừa qua, NFSC cho biết, tổng cung tăng mạnh hơn so với 2 quý đầu năm nhờ nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo. Cụ thể, nông nghiệp sau 2 quý tăng trưởng âm đã tăng trưởng dương trong quý 3. Trong khi tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo duy trì mức tăng dần đều qua 3 quý (Q1/2016: 8,09%; Q2/2016: 11,88%; Q3/2016: 13,09%).
Tuy nhiên tổng cầu vẫn tăng chậm hơn so với cùng kỳ. Điều đó thể hiện ở, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá) 9 tháng đầu năm chỉ tăng 7,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 9,1% của 9 tháng năm 2015. Trong khi cả xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng qua cũng đều tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, tính toán chỉ số dẫn báo (LEI) của NFSC cho thấy, chỉ số LEI tháng 9/2016 (99,73 điểm) đang tiếp tục duy trì được đà tăng tháng thứ 7 liên tiếp; dự báo chỉ số này có thể đạt ngưỡng trên 100 điểm (xu hướng dài hạn) vào cuối năm 2016. Điều đó “báo hiệu một sự hồi phục mạnh hơn đối với tổng cầu của nền kinh tế”, NFSC nhận định.
Sau khi phân rã tăng trưởng, cộng với phân tích tổng hợp các yếu tố, NFSC cho biết, xu thế tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì được xu hướng tăng tích cực; tăng trưởng trong ngắn hạn sau 2 quý đầu năm giảm liên tiếp đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trong quý 3 khi nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh hơn.
Tuy nhiên, với tình hình tăng trưởng 3 quý đầu năm thấp hơn khá nhiều so với dự kiến, cũng như giá dầu thế giới bình quân cả năm 2016 dự báo thấp hơn năm 2015, tăng trưởng của hai ngành nông nghiệp và khai khoáng khó đạt mức kế hoạch đề ra… NFSCdự báo tăng trưởng GDP cả năm 2016 sẽ trong khoảng 6,3-6,4%.
Giá lương thực, thực phẩm và năng lượng không có biến động lớn
Liên quan đến lạm phát, NFSC cho biết, việc CPI tháng 9 năm 2016 tăng 3,14% so với tháng 12/2015 chủ yếu do tăng giá dịch vụ công (dịch vụ y tế đóng góp 51 % và dịch vụ giáo dục đóng góp 21 % vào tổng mức tăng trên).
“Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn duy trì dưới 2% trong 9 tháng/2016 cho thấy sức ép từ tổng cầu đối với lạm phát không lớn”, cơ quan này nhận định.
Nguồn: theo tính toán của NFSC |
Phân rã lạm phát cũng cho thấy thành phần lạm phát dài hạn vẫn duy trì ở mức thấp nhờ các yếu tố cơ bản như tổng cầu (lạm phát cầu kéo) và chi phí sản xuất (lạm phát chi phí đẩy) ổn định. Trong khi thành phần lạm phát có tính chu kỳ tăng trong 9 tháng đầu năm tăng khá mạnh (ở mức tăng khoảng 3% so với cùng kỳ) do chịu tác động của điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục trong quý 1 và quý 3.
Với nhận định trong quý 4 giá lương thực, thực phẩm và năng lượng sẽ không có biến động lớn, theo NFSC, lạm phát trong quý 4 sẽ chủ yếu phụ thuộc vào chính sách giá dịch vụ y tế, giáo dục.
“Nếu chưa tính tới tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong những tháng cuối năm, lạm phát cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4%”, NFSC dự báo.