Không thể trì hoãn việc xử lý nợ xấu
Khi nhìn nhận về nợ xấu đã thay đổi | |
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu: Cần bước đi mạnh mẽ, lộ trình hợp lý | |
Tìm cơ chế đột phá xử lý nợ xấu |
Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu (XLNX) và Dự án Luật Các TCTD và các luật có liên quan, một thành viên trong Ban soạn thảo cho biết: NHNN đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo luật để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất có thể. Việc thúc đẩy tiến độ này được nhận định rất cần thiết để sớm được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Đối với giới chuyên môn, việc chủ trương thống nhất trước mắt chỉ có một Nghị quyết Quốc hội về XLNX thay vì luật chung về tái cơ cấu, XLNX có phần tiếc nuối nhưng không quá bất ngờ. Một thành viên được giao góp ý Dự thảo luật cho biết, từ khi xây dựng Dự thảo luật đã đưa ra hai phương án. Một là, Dự thảo luật chung hỗ trợ tái cơ cấu TCTD, XLNX. Hai là, tách riêng Nghị quyết về XLNX và sửa đổi Luật Các TCTD cũng như một số luật liên quan.
Tuy nhiên, nếu “làm” luật ít nhất phải qua hai kỳ họp Quốc hội mới có thể thông qua được. Trong khi đó, nợ xấu càng để lâu càng thiệt hại cho nền kinh tế. Đây là lý do Chính phủ quyết định lựa chọn phương án tách làm nghị quyết riêng về XLNX và sửa đổi luật.
Không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để XLNX là nhiệm vụ rất khó khăn |
Đồng tình với quan điểm không nên trì hoãn thời gian XLNX, một thành viên được giao góp ý Dự thảo luật bổ sung thêm lý do “thí điểm” xây dựng Nghị quyết về XLNX: việc XLNX gắn với tài sản đảm bảo phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện đồng bộ các luật mới ban hành từ sau năm 2013. Nhưng các luật liên quan mới bắt đầu có hiệu lực áp dụng nên chưa thể có các đánh giá khách quan để đưa ra đề xuất sửa đổi.
Mặt khác, tránh tình trạng như việc sửa đổi Điều 60 Bộ Luật Lao động khi luật chưa có hiệu lực, hoặc sửa Bộ Luật Hình sự khi luật chưa đến thời điểm có hiệu lực, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. “Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm về việc ban hành nghị quyết của Quốc hội để hướng dẫn thực hiện một số vấn đề quan trọng của đất nước. Ví dụ như việc thí điểm dừng tổ chức bộ máy Hội đồng nhân dân cấp huyện tại một số địa phương trong thời gian vừa qua”- một thành viên trong Ban soạn thảo dẫn chứng thêm.
Từ những phân tích trên, có thể thấy việc ban hành nghị quyết thí điểm cơ cấu lại các TCTD yếu kém và XLNX phù hợp hơn, qua quá trình thực hiện khi tình hình ổn định có thể chuyển thành luật. “Tất nhiên, nếu đưa ra được Luật Hỗ trợ tái cơ cấu, XLNX là tốt nhất. Vì tính quyết liệt nghị quyết không thể mạnh bằng luật. Nhưng trước mắt khi khả năng luật này khó có thể triển khai trong năm nay thì việc ban hành nghị quyết riêng về XLNX vẫn rất cần thiết”, TS. Cấn Văn Lực bình luận.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ hồi đầu tuần, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình chủ trương phải khẩn trương XLNX và cho rằng; “Nếu cần thiết thì xem xét nghị quyết về XLNX, vì đây là cục máu đông của nền kinh tế. Không nên kéo dài thêm tình trạng này”.
Đối với vấn đề XLNX mà không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các chuyên gia cho rằng trong nghị quyết về XLNX cần phải giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án Nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc chỉ đạo Viện Kiểm sát và toà án các cấp, cũng như toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để cùng ngành Ngân hàng XLNX.
Về phía NHNN, phải nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ, Bộ Chính trị về cơ chế xác định hiệu quả đem lại từ XLNX với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị như là một nguồn vốn của Nhà nước để XLNX, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, của chủ nợ và của người gửi tiền. Có như vậy mới hạ được mặt bằng lãi suất, góp phần nâng sức cạnh tranh của DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng khó khăn. Cũng có ý kiến cho rằng nên bổ sung một số vấn đề vào dự thảo Nghị quyết XLNX sắp tới như: các quy định liên quan đến phát triển thị trường mua bán nợ, định giá nợ xấu, cơ chế xử lý phần chênh lệch khi mua bán nợ theo giá thị trường, khuyến khích NĐT tư nhân trong, ngoài nước tham gia tái cơ cấu, XLNX…
Dù không phải là luật nhưng theo các chuyên gia, việc ban hành Nghị quyết phải có quy trình rất chặt chẽ, đầy đủ để đảm bảo có thể “thuyết phục” Quốc hội thông qua ngay trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Đơn cử về nội dung miễn giảm các loại thuế, phí liên quan đến XLNX. Để dự thảo nghị quyết có các quy định phù hợp thì cần có báo cáo đánh giá tác động của việc miễn giảm thuế theo đề xuất trong tờ trình đối với việc thu ngân sách và đảm bảo nguồn thu của ngân sách quốc gia. Nếu thực hiện theo đề xuất của dự thảo Nghị quyết thì phải coi các khoản thuế được miễn giảm này là phần vốn góp của ngân sách Nhà nước vào các TCTD yếu kém…
Tán thành trước mắt sẽ ban hành Nghị quyết riêng về XLNX để giải quyết các biện pháp tình thế, nhưng về lâu dài muốn giải quyết một cách căn cơ, tái cơ cấu hệ thống NH thành công, phát triển thị trường mua bán nợ… theo nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh TS. Trần Du Lịch vẫn cần phải có một luật để sửa nhiều luật.