Dựng điều kiện kinh doanh cho NĐT nước ngoài: Lúng túng và nhiều phức tạp
Danh mục Điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng đối với NĐT nước ngoài trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn chưa được ban hành để đón đầu Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua, như kỳ vọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thực tế là danh mục này cũng khó có thể hoàn thiện trong một ngày gần đây, bởi theo đánh giá của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, đây là công việc “cực kỳ khó”.
Xưởng sản xuất của Công ty KPF Vina - Hàn Quốc |
Vướng mắc lớn nhất hiện nay tập trung ở việc thống nhất quy định về điều kiện kinh doanh đối với từng ngành nghề, trong trường hợp các điều ước quốc tế có quy định khác nhau.
Ông Hoàng phân tích, Việt Nam là nước tham gia đàm phán rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác từ song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc... tới đa phương như EU, TPP, Liên minh hải quan... Trong mỗi FTA này lại có hướng thiết kế các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác nhau. Vì vậy việc thống nhất một danh mục điều kiện kinh doanh để không trái với các quy định trong từng FTA, đồng thời vẫn đảm bảo thu hút đầu tư, lại sàng lọc được NĐT có chất lượng, rõ ràng là điều không hề đơn giản.
Đơn cử như trong tư duy của Việt Nam thì đối với sản xuất không có hạn chế gì. Nhưng các điều ước quốc tế trong Asean lại có hạn chế với một số ngành nhất định. Hay như Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản thực hiện phương pháp chọn bỏ để xác định ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng trong WTO lại dùng phương pháp chọn cho. Giờ trộn danh mục ngành nghề giữa 2 FTA này với nhau thế nào, đang là vướng mắc rất lớn.
Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện qua rà soát trong thời gian tới chắc chắn sẽ có thay đổi ít nhiều so với hiện nay. Chẳng hạn kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm. DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài muốn lập chi nhánh ở Việt Nam phải có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ USD, đang hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ ít nhất 10 năm…
Đây là các điều kiện mà Việt Nam đơn phương đặt ra và đang áp dụng, song lại chưa được rà soát theo cam kết với các FTA mà Việt Nam đã và đang thực hiện. Do đó chưa thể biết được các điều kiện này có thể nới lỏng hơn, hay sẽ thắt chặt hơn hiện nay.
Hay như kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, theo cam kết WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài, bệnh viện liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vốn đầu tư tối thiểu cho một bệnh viện là 20 triệu USD, bệnh xá đa khoa là 2 triệu USD. Hiện tại, Việt Nam lại chưa có các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Trường hợp đưa ra danh mục điều kiện cho lĩnh vực này, thì cũng phải rà soát song song với các FTA khác nhau để xem các quy định có bị vênh hay không.
Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư, có 72 ngành nghề, pháp luật Việt Nam đã quy định về điều kiện đầu tư và kinh doanh; 46 ngành nghề điều ước quốc tế đã quy định điều kiện đầu tư áp dụng đối với NĐT nước ngoài; 128 ngành nghề chưa quy định điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài; 21 ngành nghề chưa quy định cả điều kiện đầu tư và điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, còn có 35 ngành nghề trong điều ước quốc tế quy định hạn chế mở cửa thị trường đối với NĐT nước ngoài, nhưng pháp luật Việt Nam lại không hạn chế.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, sở dĩ việc thống nhất danh mục điều kiện kinh doanh còn ì ạch là bởi qua tham vấn ý kiến, các bộ, ngành hiện nay chưa thống nhất về nguyên tắc áp dụng. Hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị NĐT nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của các điều ước quốc tế được lựa chọn áp dụng quy định tại một trong các điều ước đó, nghĩa là trao toàn quyền tự do lựa chọn cho NĐT. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không cho phép NĐT lựa chọn áp dụng điều ước quốc tế vì việc áp dụng này phải căn cứ vào quy định cụ thể của từng điều ước.
Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thực hiện theo loại ý kiến thứ nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NĐT, thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc thu hút FDI. Bên cạnh đó, pháp luật đầu tư cũng như thực tiễn quản lý đều dành cho NĐT quyền được lựa chọn điều kiện đầu tư thuận lợi trong trường hợp pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.
Đồng tình với quan điểm trên, song TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương lưu ý, thống nhất danh mục điều kiện kinh doanh cho FDI mới chỉ giải quyết được phần nổi của vấn đề.
Ông Thành cho rằng, trong một số lĩnh vực có độ nhạy cảm cao như tài chính ngân hàng, hay lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao như y tế… thì nguyên tắc mở cửa phải chọn đối tác tốt nhất để “chơi”. Do đó việc thống nhất danh mục điều kiện kinh doanh trong từng ngành nghề không chỉ đơn thuần là tạo điều kiện thuận lợi nhất để NĐT vào Việt Nam, mà còn phải sàng lọc được những NĐT tốt nhất.
Đây là vấn đề phức tạp hơn mà trong quá trình xây dựng danh mục điều kiện kinh doanh cho FDI hiện nay còn chưa được lưu ý. Nếu chỉ tập trung vào tạo mọi thuận lợi cho NĐT, thì mục tiêu thu hút FDI chất lượng cao sẽ khó mà đáp ứng được.