Duy trì tăng trưởng, giảm thiểu rủi ro
Đồng hành vì một Việt Nam thành công và thịnh vượng | |
Việt Nam duy trì tăng trưởng tốt dù thách thức gia tăng | |
Khẳng định quyết tâm kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý |
Báo cáo “Điểm lại” của WB ghi nhận kinh tế Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, dần lấy lại đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2017, đồng thời khuyến nghị cần có những chính sách nhằm củng cố khả năng ứng phó về KTVM và xử lý những trở ngại tăng trưởng có tính chất cơ cấu.
Tại buổi họp báo công bố báo cáo ngày 13/7, ông Sebatian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức dẻo dai nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng”.
Cụ thể, chuyên gia này cho rằng, các động lực của thị trường cho thấy hiện nay nền kinh tế đang hoạt động tốt. Đơn cử, ngành sản xuất tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng nửa đầu năm nhờ các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó bù đắp phần nào cho sự sụt giảm của ngành khai khoáng cũng như đóng góp đáng kể vào mức tăng 5,3% của cả ngành công nghiệp trong 6 tháng qua.
Bên cạnh đó, ngành dịch vụ tiếp tục đạt kết quả tốt (tăng trưởng 6,9%) nhờ tiêu dùng tư nhân ở mức cao và lượng khách du lịch tăng mạnh. Như báo cáo ghi nhận: “Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường nguồn nhân lực và đơn giản hóa các thủ tục cấp xét visa cho du khách nước ngoài”.
Họp báo công bố Báo cáo |
Trong khi đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng đã có sự phục hồi (tăng trưởng 2,7% trong 6 tháng đầu năm) sau những ảnh hưởng tiêu cực của hạn hán và xâm nhập mặn trong năm ngoái. “Như vậy chúng ta thấy có rất nhiều yếu tố, động lực để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Và con số tăng trưởng 6,3% mà chúng tôi đưa ra trong báo cáo lần này là phù hợp”, ông Sebatian Eckardt nói.
Đi vào các chỉ số cân đối vĩ mô lớn, WB nhận định áp lực lạm phát vẫn ở mức khiêm tốn và dự báo cả năm nay, lạm phát bình quân sẽ ở trong khoảng 4,5%. Cùng với đó, vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn thặng dư nhờ duy trì được tăng trưởng xuất khẩu và dòng tiền vào của FDI, qua đó tạo điều kiện cho NHNN tăng dự trữ ngoại hối.
Mặc dù tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh trong nửa đầu năm được WB đánh giá tích cực nhưng báo cáo cũng chỉ ra: “Kết quả xuất khẩu đáng khích lệ của Việt Nam nhờ phần nhiều vào khu vực DN FDI, trong khi khu vực DN trong nước vẫn đang đối mặt với mất cân đối ngoại thương”, đồng thời sự tham gia của các DN trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế và sự kết nối của họ với các DN FDI còn yếu.
Các thể chế thị trường chưa đầy đủ, môi trường pháp quy phiền toái và sự méo mó trên các thị trường yếu tố sản xuất là những trở ngại cho sự phát triển để nâng cao năng suất của khu vực tư nhân trong nước. Do đó ông Sebatian Eckardt cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục tập trung tạo điều kiện kết nối giữa FDI với DN trong nước, tăng cường chiều sâu của chuỗi giá trị gia tăng mà hiện sự tham gia và đóng góp của khu vực DN trong nước còn rất thấp.
Với việc tăng trưởng được duy trì và KTVM ổn định, WB nhận định triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi và tích cực với dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2018-2019 có thể đạt 6,4% và lạm phát 4,5%. Tuy nhiên, triển vọng đó vẫn đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro. Từ môi trường bên ngoài, chính sách mở cửa mạnh mẽ, định hướng xuất khẩu cao cùng với sự phụ thuộc vào dòng vốn FDI của Việt Nam khiến cho nền kinh tế dễ bị tổn thương nếu tăng trưởng ở các đối tác thương mại lớn chững lại hay khi tiến trình tự do hóa thương mại và hội nhập toàn cầu bị suy giảm.
Trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế dường như chịu nhiều tác động từ tiến độ xử lý các tồn đọng dai dẳng của khu vực DNNN và những vấn đề của khu vực tài chính, đặc biệt là xử lý nợ xấu hiệu quả. Báo cáo của WB cũng cảnh báo: “Tăng trưởng chậm hơn sẽ làm tăng áp lực nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ với rủi ro sẽ làm đảo ngược các thành quả gần đây về ổn định KTVM và làm tăng thêm những bất cân đối KTVM chưa được xử lý triệt để”.
Ngoài ra, tiến độ cải cách chậm chạp cũng ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng trong trung hạn, vì cải cách cơ cấu là hết sức cần thiết để duy trì và cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Chậm trễ trong triển khai củng cố ngân sách sẽ tạo thêm rủi ro tới bền vững nợ công, cũng như ổn định vĩ mô và tăng trưởng trong tương lai.
Và đó cũng chính là những vấn đề mà WB khuyến nghị Việt Nam cần tập trung hóa giải. Chuyên gia Sebatian Eckardt nhấn mạnh: “Đà tăng trưởng vẫn được duy trì chính là yếu tố thuận lợi để Việt Nam lúc này cần tập trung xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định KTVM và tạo lập lại những khoảng đệm chính sách”.