FTA - cơ hội cho nông nghiệp Việt
EVFTA: Cơ hội lớn, làm sao tận dụng? | |
EU hoan nghênh quyết định ký kết thương mại tự do với Việt Nam | |
Ký kết EVFTA và IPA với EU: Kỳ vọng về một sự tăng trưởng mới |
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại hàng nông sản thông qua việc ký kết và thực thi các Hiệp định Thương mại (FTA), nhất là FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan, đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài thị trường”.
Trong số 12 FTA Việt Nam đã ký kết, thì Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thực thi đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019; còn EVFTA đã kết thúc đàm phán và sẽ ký kết vào ngày 30/6 tới đây. Hai FTA này có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng.
Nông sản Việt sẽ có thị trường rộng lớn |
Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, CPTPP là một trong những FTAs chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Đây là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, khi được thực thi đầy đủ sẽ bao gồm một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu. Việc các thị trường lớn, như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc mở cửa thị trường cho hàng nông lâm thủy sản Việt Nam. Các loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào CPTPP là gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản (trong đó chủ yếu là tôm và cá tra) đều chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp.
Tham gia CPTPP là một cơ hội tốt giúp Việt Nam mở rộng thương mại, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như: Mexico, Australia và Canada cũng như đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam “thay da đổi thịt”. Dự kiến sau khi có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm; đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký. Ðáng lưu ý, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như cà phê (hiện 0 - 11,5%); hạt tiêu (0 - 4%); mật ong tự nhiên (17,3%); khoảng 50% số dòng thuế cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ.
Theo ông Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, khi tham gia các FTA, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan như gạo sang Nhật Bản, Mexico; rau quả sang EU, Australia, New Zealand, Nhật Bản… Ngoài ra, các FTA còn giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Trong hội nhập quốc tế, Việt Nam đã chuyển từ bị động sang chủ động. Minh chứng rõ nhất là trong nông nghiệp, chứng kiến sự thay đổi vượt bậc, trong năng lực sản xuất của doanh nghiệp và nông dân từng bước tạo tiền đề quan trọng trong liên kết chuỗi.
Hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các FTA mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, tạo thêm nhiều việc làm trong nước… Tuy nhiên, khi các hiệp định đi vào thực thi với các cam kết sâu rộng và tính ràng buộc cao, đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức lớn, do đó cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng cả về nhận thức, hiểu biết và đặc biệt là về chính sách, thể chế.