FTA Việt Nam – EU: Khi cơ hội là bình đẳng
Ông Bruno Angelet |
Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam:
Dự kiến EVFTA đi vào thực thi năm 2018. Như vậy, chúng ta còn hơn 2 năm để chuẩn bị về nguồn lực, cải cách thể chế, pháp lý… để đảm bảo tất cả điều kiện phù hợp và tốt nhất khi hiệp định đi vào thực thi đầy đủ. Có thể thấy rằng, hai bên đã đưa ra lộ trình định hướng quan trọng dẫn dắt quá trình thông qua và thực thi hiệp định.
Lộ trình định hướng này chính là thông điệp quan trọng gửi tới nhà đầu tư (NĐT) và xuất khẩu của hai phía. Nhờ đó, họ sẽ có sự chuẩn bị khi hiệp định có hiệu lực. NĐT châu Âu quan tâm Chính phủ Việt Nam sẽ làm gì trong 2 năm này. Nhưng họ không chỉ đứng đó quan sát mà đã bắt đầu hành động. Có thể thấy NĐT châu Âu đã nhanh chóng chuyển từ vị trí lớn thứ 6 (năm ngoái) lên thứ 3 về đầu tư ở Việt Nam hiện nay. Đây là tín hiệu rất tốt.
EVFTA được ký kết, Việt Nam có cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao tiên tiến từ các nước EU |
Chúng tôi cũng đang có gói cam kết hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất trong thực thi hiệp định này.
Đơn cử, an toàn thực phẩm là lĩnh vực mà EU đang hỗ trợ và cũng là lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang EU. Hay trong lĩnh vực tài chính, chúng tôi đang hỗ trợ Bộ Tài chính về thuế, cân bằng cán cân tài khóa bởi khi tham gia các FTA có nghĩa là Việt Nam sẽ phải cắt giảm nguồn thu từ thuế nhập khẩu. Song, việc cân đối ngân sách này không có nghĩa làm tổn hại lợi ích của NĐT nước ngoài tại Việt Nam, cũng không đi trái với các cam kết.
Ngoài ra, chúng tôi cam kết luôn sát cánh cùng Việt Nam để có những hỗ trợ cần thiết trong quá trình các bạn chuyển đổi, cải thiện để được EU công nhận là nền kinh tế thị trường. Lộ trình định hướng trong EVFTA vừa qua chính là một định hướng để hai bên cố gắng thực thi cải thiện nền kinh tế thị trường đầy đủ ở Việt Nam.
Ông Bo Monsted |
Ông Bo Monsted, Tham tán thương mại của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam:
Là thành viên của EU, nên tôi tin rằng FTA này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển thương mại giữa Đan Mạch và Việt Nam. DN Đan Mạch đã xác định Việt Nam là một thị trường tiềm năng và sẽ có nhiều cơ hội hơn khi EVFTA có hiệu lực.
Và để đón đầu cơ hội mà hiệp định mang lại, mới đây nhất, JYSK - thương hiệu toàn cầu chuyên cung cấp các sản phẩm nội thất đến từ Đan Mạch đã mở cửa hàng thứ 2 tại Việt Nam dựa trên thỏa thuận nhượng quyền thương mại với công ty Việt Nam là Công ty cổ phần NeatClean.
Chúng tôi xem mối quan hệ hợp tác giữa JYSK và NeatClean là một trong những ví dụ điển hình về hoạt động hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Đan Mạch. Tôi nghĩ rằng nhượng quyền thương mại là một sự lựa chọn tốt cho sự hợp tác giữa các DN Đan Mạch và Việt Nam, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm gia đình.
Từ khía cạnh đầu tư, phương thức này giúp các DN Đan Mạch như JYSK thâm nhập và mở rộng kinh doanh sang Việt Nam trong thời gian ngắn hơn với chi phí thấp hơn so với việc họ tự thành lập. Ngược lại, mô hình kinh doanh này sẽ nâng cao cơ hội thành công cho các đối tác Việt Nam bởi lẽ họ kinh doanh các sản phẩm với chất lượng và thương hiệu đã được thừa nhận rộng rãi.
Ông Phạm Hồng Hải |
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam:
Là ngân hàng quốc tế hàng đầu với sứ mệnh tài trợ thương mại thế giới, HSBC hoan nghênh việc hoàn tất EVFTA. Mặc dù còn phải chờ sự phê duyệt cuối cùng, theo tôi, đây là một hiệp định có chất lượng cao với việc dỡ bỏ hầu hết các hạng mục thuế quan giữa EU và Việt Nam. Hiệp định mang lại cơ hội rất lớn và đóng vai trò cầu nối kết nối nhu cầu của hai thị trường khi mở cửa thị trường Việt Nam với ngành nông sản, công nghiệp và dịch vụ của châu Âu, đồng thời giúp Việt Nam hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.
Hiệp định cũng góp phần đưa Việt Nam xây dựng một nền kinh tế bền vững và có thể được coi là hình mẫu cho các FTA mà châu Âu sẽ ký với các nước đang phát triển khác. Hiệp định cũng là cột mốc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa ASEAN và EU, góp phần thúc đẩy theo đuổi tự do thương mại của khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm nay, EVFTA là bước phát triển quan trọng trên con đường đi tới mục tiêu chung về FTA cấp vùng giữa ASEAN và EU. Vào tháng 6/2015, HSBC công bố ASEAN sẽ là một thị trường ưu tiên của mình trong chiến lược xoay quanh “Trục châu Á”, theo đó HSBC sẽ đẩy mạnh đầu tư vào châu Á với trọng tâm là ASEAN.
Ông Nguyễn Tôn Quyền |
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam:
Ngành chế biến gỗ Việt Nam với 4.000 DN và hơn 300.000 lao động đang đứng trước nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức khi các FTA, trong đó có EVFTA được thực thi.
Chế biến gỗ xuất khẩu là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Và EU là một thị trường lớn chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ. Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2015 tăng 5% so với cùng kỳ năm 2014.
EVFTA được ký kết, cùng với những hỗ trợ từ phía EU, Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao tiên tiến từ các nước EU. Hiệp định sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế, lên tới hơn 99% số dòng thuế. Khi Hiệp định có hiệu lực, thuế suất sẽ bằng 0, nhờ đó sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh trong đó có đồ gỗ.
Tuy nhiên, các sản phẩm thuế sẽ bằng 0 và như vậy các sản phẩm gỗ ở các nước khác sẽ vào Việt Nam, trong khi ngành gỗ Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào, và thị trường gỗ nội địa mình rất yếu. Đây là nỗi lo lắng không chỉ đối với các doanh nghiệp trong ngành hiện nay nói chung và ngành gỗ nói riêng.
EU là thị trường còn nhiều tiềm năng, nhưng khu vực này cũng được dự báo có nhiều rủi ro với xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, đặc biệt là khi EU tiên phong trong việc đưa các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc hợp pháp của gỗ và những đòi hỏi kỹ thuật cao liên quan đến trình độ nguồn nhân lực.
Trước đây, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu gỗ tự do ở 60 – 70 quốc gia trên thế giới, nay để đáp ứng được yêu cầu nguồn gốc gỗ hợp pháp, phạm vi nhập khẩu thu hẹp lại. Khi thị trường cung hẹp lại dễ đẩy giá nguyên liệu tăng lên và chi phí thời gian thu gom nguyên liệu tăng, tiền tàu bè cũng sẽ khó khăn hơn. Đó cũng là một thách thức.