Gắn sản xuất hữu cơ với du lịch
Du lịch ồ ạt giảm giá hè | |
Điều lạ lùng của du lịch Việt |
Cơ hội cho du lịch sinh thái
Nông nghiệp hữu cơ là những phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng để phục hồi, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Đặc biệt, hiện trên thị trường các sản phẩm nông sản sản xuất theo hướng hữu cơ đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng với việc tạo ra sản phẩm có giá trị, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng đang tạo ra những cơ hội cho ngành du lịch sinh thái phát triển. Và đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo, cần được quan tâm phát triển.
Việc kết hợp giữa nông nghiệp hữu cơ và du lịch còn gặp khó |
TP. Đà Nẵng cũng như các địa phương khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên vốn có nhiều tiềm năng về du lịch. Trong đó, có du lịch sinh thái nông nghiệp, nhất là gắn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sau một thời gian chú trọng việc phát triển, đến nay trên địa bàn thành phố đã có khoảng 150 ha trồng lúa hữu cơ cùng hàng chục ha trồng rau màu các loại. Sản xuất lúa hữu cơ đạt năng suất bình quân từ 65 - 75 tạ/ha, giá bán gạo hữu cơ cao gấp 2 lần so với gạo thường.
Địa phương đang có chủ trương mở rộng phát triển, đến năm 2020 sẽ có khoảng 500 ha trồng lúa hữu cơ. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng tập trung xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ, sản xuất VietGAP tại các vùng trồng rau an toàn. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ theo hướng gắn với chuỗi cung cấp rau củ quả an toàn. Phần lớn diện tích trồng rau an toàn nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Ngoài việc tạo ra sản phẩm có giá trị trên thị trường, an toàn cho người sử dụng thì việc phát triển nông nghiệp hữu cơ còn góp phần thúc đẩy du lịch ở Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước. Tại hội thảo bàn về sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả sẽ trở thành những điểm nhấn để khai thác du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch nông nghiệp sinh thái phát triển cũng sẽ góp phần tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Trên thực tế, bước đầu, ngành du lịch Đà Nẵng cũng đã có thêm những điểm đến mới lạ hấp dẫn, như các tour du lịch trải nghiệm ở làng Phong Nam (xã Hòa Châu), thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ngoài ra, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cùng với UBND huyện Hòa Vang và một số đơn vị lữ hành cũng đang tổ chức khảo sát để tiến tới hình thành một số dịch vụ du lịch sinh thái làng quê, cộng đồng khác ở địa phương.
Cần tăng cường sự phối hợp
Nhìn rộng ra, hiện cả nước đã có nhiều tỉnh, thành xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với nhiều quy mô. Theo ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, hài hòa, có tác động tốt cho kết hợp với du lịch sinh thái. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay việc phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng như kết hợp với ngành du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Đà Nẵng cũng đang ở trong tình trạng này. Trong đó, nổi lên là việc thương hiệu sản phẩm hữu cơ đến nay vẫn chưa có vị thế xứng đáng. Cùng với đó, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình sản xuất khắt khe, chi phí sản xuất cao, nên cả người dân lẫn doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tham gia.
Nông nghiệp hữu cơ chật vật phát triển, kéo theo đó là du lịch sinh thái nông nghiệp cũng đang gặp những khó khăn. Nhìn chung, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp còn manh mún, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều điểm du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nghèo nàn về dịch vụ, chất lượng thấp. Sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức tối thiểu. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Việc kết nối giữa ngành nông nghiệp, người dân trực tiếp sản xuất và doanh nghiệp lữ hành vẫn còn lỏng lẻo.
Bởi vậy, để gắn sản xuất nông nghiệp sinh thái với du lịch có được những hiệu quả, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu về điều kiện thổ nhưỡng, lợi thế của từng vùng, khu vực để tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng bản địa…
Về lâu dài, ngành nông nghiệp và du lịch cần tăng cường phối hợp, liên kết chuỗi các sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp. Xây dựng quy chế phối hợp phát triển sản phẩm dịch vụ, du lịch sinh thái nông nghiệp, qua đó gắn kết phát triển nông nghiệp với khai thác tiềm năng du lịch ở từng địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Yến - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, chính quyền các địa phương cần xây dựng một kế hoạch rõ ràng, xác định cho được vùng nào có thể phát triển du lịch sinh thái, đồng thời tập trung tuyên truyền quảng bá có hiệu quả. Việc xây dựng thương hiệu du lịch phải gắn với chất lượng dịch vụ để tạo được sản phẩm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần phải có sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan, từ doanh nghiệp lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ đến cộng đồng cùng hợp sức đưa sản phẩm vào thực tiễn.