GDP 2016 không đạt mục tiêu đề ra
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Theo đánh giá của Chính phủ, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2016, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tăng trưởng thấp hơn dự báo; giá dầu thô và giá nhiều hàng hóa cơ bản ở mức thấp; các xung đột cục bộ, khủng bố... xảy ra liên tiếp; tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, thiên tai, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm môi trường biển,... gây khó khăn rất lớn cho sản xuất và đời sống người dân. Năng suất lao động xã hội thấp và khả năng cạnh tranh yếu kém làm mất đi lợi thế của nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Song, với sự nỗ lực chung, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước GDP Quý I tăng 5,48%, Quý II tăng 5,78% và quý III đã đạt 6,4%. Tính chung, 9 tháng đầu năm 2016, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%); nhưng cao hơn nhiều hơn so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (5,52%).
Tăng trưởng phục hồi nhờ đóng góp của khu vực nông nghệp và công nghiệp. Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ chỗ tăng trưởng âm (-0,18%) trong 6 tháng đầu năm đã tăng trở lại, đạt 0,65% trong 9 tháng đầu năm. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, lần lượt là 11,2% và 9,1% (cùng kỳ tăng 10,1% và 9%). Khu vực dịch vụ cũng tăng 6,66%, cao hơn cùng kỳ (tăng 6,17%).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tốc độ tăng GDP thấp hơn kế hoạch đề ra chủ yếu do: Hậu quả của thiên tai, hạn hán, đặc biệt là xâm nhập mặn và sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung... trong 6 tháng đầu năm đã tác động đến phát triển nông nghiệp, thủy sản. Bên cạnh đó, sự giảm sản lượng của công nghiệp khai khoáng đã làm giảm tốc độ tàng trưởng chung của nền kinh tế.
“Nếu tăng trưởng của 2 ngành này 6 tháng đầu năm bằng tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước, thì tăng trưởng GDP cả năm 2016 có thể đạt 6,74%, vượt mức kế hoạch đề ra”, ông Dũng nói.
Trên cơ sở đánh giá tình hình 9 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm tổng hợp lại trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra, Chính phủ ước thực hiện có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, có 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,3-6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7%, và tốc độ tăng tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 6-7% so với kế hoạch đề ra là 10%.
Thảo luận về nhiệm vụ năm 2017, các ý kiến đều thống nhất mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khỏi nghiệp, phát triến doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
Theo đó, dự kiến năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; bội chi ngân sách Nhà nước không vượt quá 3,5% GDP; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.
Để đạt mục tiêu này, các ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tiếp tục tập trung vào 3 trọng tâm và tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế…