Giảm chi phí, thúc đẩy kinh doanh: Cả bộ máy phải vào cuộc
Minh bạch nhiều, tín chấp tăng | |
Minh bạch thông tin hỗ trợ DN niêm yết | |
Cú huých phát triển DN |
Chính phủ hành động
Tại một buổi tọa đàm vừa qua tại Hà Nội, một chuyên gia thốt lên: “Chính phủ đã tuyên bố năm 2017 này là năm giảm chi phí cho DN. Nhưng đến nay, quá giữa năm rồi mà vẫn chưa thấy kế hoạch giảm chi phí ấy cụ thể là đơn vị nào giảm và giảm ở đâu. Hiện, mới chỉ có lãi suất NH giảm thôi, còn các chi phí khác như vận tải, chi phí phi chính thức vẫn còn cao… Cho nên, điều quan trọng ở đây là cần thực hiện một cách hiệu quả, kịp thời các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng bằng các kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể”.
Mong muốn trên cũng là mong muốn chung của mọi người, đặc biệt là cộng đồng DN bởi chi phí (cả chính thức và phi chính thức) cao được xem là một trong những vướng mắc, khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải hiện nay. Hơn nữa, chi phí trong kinh doanh ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa của Việt Nam khó cạnh tranh với các nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu hiện nay.
Nhân viên tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống hành chính điện tử |
Một thông tin đáng mừng là Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã dành một phần rất quan trọng để chỉ đạo cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm chi phí cho DN, thúc đẩy SXKD. Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp loại bỏ ngay các thủ tục, quy định có thể làm phát sinh chi phí không chính thức. Đồng thời, cần thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức và xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu DN.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước; Rà soát, giảm chi phí tuân thủ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ những ĐKKD không cần thiết, làm gia tăng chi phí của DN… Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức sơ kết việc giảm chi phí cho DN và có báo cáo gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trước ngày 15/10/2017.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các chỉ đạo trong Nghị quyết này cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc cắt giảm chi phí, hỗ trợ SXKD. “Động thái trên cho thấy một mặt Chính phủ đang rất nỗ lực tăng cường chỉ đạo thúc đẩy và giám sát đối với vấn đề này, mặt khác là vấn đề tạo động lực và gây áp lực để bộ máy công chức phải triển khai” - chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhận định.
Cả bộ máy phải vào cuộc
Tuy nhiên, TS. Thành cũng cho rằng, dù áp lực là thế nhưng để thực hiện đòi hỏi quyết tâm rất cao. Như liệu với những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” thì sẽ xử lý ra sao lại là một câu chuyện khác phải bàn. Hơn nữa, kể cả quyết liệt làm năm nay thì cũng chỉ giải quyết được một số vấn đề và không thể kỳ vọng sẽ có ngay những tác động lớn như lập tức nâng cao được khả năng cạnh tranh hay các vấn đề khác của DN.
Dù hoàn toàn đồng tình với những chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết này nhưng theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia TC-NH, cần đặc biệt tập trung vào thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc cải cách TTHC, minh bạch hóa các thủ tục, quy trình và các loại chi phí. Những chi phí không chính thức vẫn tồn tại và thậm chí còn chiếm tỷ lệ lớn một phần là do thiếu minh bạch nên đây là vấn đề cần giải quyết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cải cách TTHC là yếu tố mang tính cốt lõi nhất để giảm được chi phí và thúc đẩy sản xuất kinh doanh (SXKD). Khi TTHC minh bạch thì dù cán bộ muốn cũng không thể kiến giải theo cách của mình để vòi vĩnh DN được nữa. Cùng với quá trình này, cần bãi bỏ các ĐKKD, giảm các TTHC theo cơ chế xin - cho và tin học hóa các TTHC để giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người với nhau trong giải quyết các thủ tục, từ đó sẽ giúp giảm chi phí.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải kiên quyết nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy công quyền, nhất là các cấp phía dưới. Ở đây là khả năng thực thi công việc và năng suất lao động của các công chức phía dưới phải được nâng lên. “Muốn vậy, một mặt cơ chế giao việc, giao trách nhiệm phải rõ ràng. Bên cạnh đó, cần sớm có đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ để từ đó, trên cơ sở công việc và trách nhiệm được giao nếu không hoàn thành thì sẽ áp chế tài xử lý”, TS. Lực nói.
Ghi nhận các chỉ đạo trong Nghị quyết vừa qua của Chính phủ mang tính thực tế và thực tiễn rất lớn nhưng theo ông Đậu Anh Tuấn, thách thức đặt ra là làm sao chuyển thành hành động cụ thể ở phía dưới chứ không chỉ dừng lại ở văn bản, chủ trương chính sách. Giải pháp ở đây có lẽ là phải giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành địa phương. Đơn cử là việc Chính phủ yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ mức 30-35% hiện nay xuống 15%.
Theo ông Tuấn, để thực hiện được mục tiêu này thì phải giảm bớt danh mục, các loại hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống. Bên cạnh đó, cần chuyển sang quản lý và kiểm tra theo xác suất rủi ro. Tức là cần có cơ chế để đánh giá lịch sử tuân thủ của DN nhập khẩu. Ví dụ, nếu mười mấy năm qua DN ấy đều tuân thủ tốt thì không có lý do gì phải kiểm tra, xét nghiệm 100%. Hay cần chuyển sang cơ chế hậu kiểm, để cho hàng hóa thông quan chứ không phải cứ bắt nằm hàng ngang ở cảng để chờ kiểm tra… Hàng loạt những giải pháp như vậy chính là để giảm chi phí, giúp cho DN có sức cạnh tranh hơn.
Trong quá trình Chính phủ nỗ lực và quyết liệt giảm chi phí kinh doanh thì chính các DN, hiệp hội DN cũng là “đối tác” rất quan trọng. Bởi theo ông Tuấn, một mặt các DN cần kinh doanh một cách sòng phẳng, có đạo đức, tuân thủ tốt các quy định nhưng mặt khác, các DN cũng chính là những người phát hiện ra các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu này.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các biện pháp giảm mức chi phí và chi phí đầu vào cho DN. Và có cơ sở để kỳ vọng rằng, khi vấn đề trách nhiệm được gắn đến từng cơ quan và đối tượng cụ thể thì có lẽ đã đến lúc các bộ, ngành, địa phương phải hành động và hành động thực chất.