Gỡ nút thắt nợ công – tăng trưởng
Thống nhất hành động nhằm tạo động lực mới cho phát triển | |
Kinh tế sẽ “sáng” khi các thách thức được giải quyết | |
Nỗ lực phấn đấu thực hiện cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2016 |
Đi dây thăng bằng
Kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển đi trước trong xử lý mối quan hệ vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn giữa nợ công và tăng trưởng trong quá trình phát triển đã có nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, đâu sẽ là những khuyến nghị phù hợp. Đây là một trong những nội dung chính được đưa ra mổ xẻ tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2016, tổ chức tại Hà Nội ngày 9/12/2016.
“Một quốc gia đang phát triển có nguồn lực hạn chế, muốn tăng trưởng không tránh khỏi nợ công. Nhưng nếu quản lý nợ công không tốt và sợ tỷ lệ nợ công cao thì sẽ không thể đủ nguồn lực dành cho tăng trưởng. Điều quan trọng là quản lý nợ công hiệu quả và mức độ nào là phù hợp. Chúng tôi cần ý kiến của các chuyên gia để giúp giải tỏa được nút thắt này trong giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế” - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề.
Ưu tiên vốn cho phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm |
Theo John Panzer, Giám đốc toàn cầu Khối quản lý kinh tế vĩ mô và tài khóa (Nhóm Ngân hàng Thế giới - WB), nhìn vào giai đoạn những năm 1990 đến nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, tăng trưởng có xu hướng chậm lại, mức tăng năng suất cũng suy giảm. Sự suy giảm của tăng trưởng khiến cân đối tài khóa khó khăn với thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh.
Để xoay chuyển xu thế này trong bối cảnh môi trường kinh tế bên ngoài bất ổn thì con đường phía trước cần lựa chọn là “đi dây thăng bằng”, hay nói cách khác là cân bằng giữa tăng trưởng với khả năng ứng phó với các cú sốc và duy trì được mức thâm hụt tài khóa thấp và nợ công bền vững.
Trong đó, việc điều chỉnh chính sách tài khóa theo hướng đáng tin cậy, dễ dự đoán và “thân thiện” với tăng trưởng cần là vấn đề ưu tiên. Việc điều chỉnh này có thể diễn ra dần dần, từng bước để tránh những cú sốc của hạ cánh cứng nhưng phải có chủ đích và lộ trình rõ ràng.
WB trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam gần đây đã ghi nhận những cam kết của Chính phủ về củng cố tài khóa trong trung hạn và Kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội thông qua vào tháng 11 vừa qua với mục tiêu đặt ra là giảm bội chi ngân sách xuống còn 3,5% GDP năm 2020. “Điều quan trọng hiện nay là phải có các biện pháp chính sách cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu trên nhằm điều chỉnh có chất lượng thông qua cân đối giữa các biện pháp thu và chi kết hợp đồng thời chú trọng nâng cao hiệu suất chi tiêu, thay vì cắt giảm đồng loạt chi tiêu và đầu tư được phép chủ động” - báo cáo này nhấn mạnh.
Tại diễn đàn lần này, ông Norio Saito, Phó giám đốc quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng ghi nhận những cải cách mạnh mẽ đã diễn ra trong 2 năm trở lại đây tại Việt Nam. Hai dẫn chứng được vị này nêu ra là Luật Đầu tư công được Quốc hội phê chuẩn năm 2014 đã cải thiện hệ thống quản lý nhà nước về đầu tư công trong đó bao gồm cả vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Bên cạnh đó, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 sẽ giúp chuyển nhiều khoản chi ngoài ngân sách vào ngân sách, giải quyết nhiều hạn chế trong việc phân cấp tài khóa cũng như đặt ra yêu cầu về xây dựng khung kế hoạch chi tiêu trung hạn.
Nâng chất lượng quản lý tài sản công
Tuy nhiên theo ông Norio Saito, chất lượng chi tiêu công thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Một đơn cử là từ vấn đề quản lý tài sản công. Việt Nam đã dành trung bình 10% GDP mỗi năm trong suốt một thập kỷ qua để đầu tư cho phát triển hạ tầng công cộng (một trong những mức đầu tư cao nhất trong khu vực). Nhưng trong khi việc đầu tư xây dựng vẫn diễn ra nhanh chóng thì các cách tiếp cận, quản lý tài sản công khi đã hoàn thành lại cho thấy một sự tụt hậu xa.
Ông Norio Saito cho rằng, điều này là có thể hiểu được bởi sự phức tạp, phạm vi và sự thiếu hoàn thiện trong trách nhiệm quản lý, xác định giá trị đầu tư hay cơ sở dữ liệu về tài sản công.
Cụ thể, hiện trách nhiệm quản lý tài sản công đang rất phân tán khi có tới hơn 100 nghìn đơn vị chủ quản ngân sách (các sở, ban, ngành) có trách nhiệm quản lý. Việc nhiều cơ quan đang chịu các trách nhiệm khác nhau, ngay cả đối với cùng một tài sản đã khiến cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, danh mục tài sản công hiện nay cũng rất lớn khiến cho việc quản lý không dễ dàng. Hiện có gần 500 nghìn các loại tài sản từ đất đai, nhà cửa, phương tiện vận chuyển… có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên. Cơ sở dữ liệu này còn chưa bao gồm một phần đáng kể các tài sản hạ tầng của Chính phủ.
Chẳng hạn, hiện nay chỉ có gần 10% đường quốc lộ được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Những vấn đề như vậy khiến các cơ quan trung ương khó hiểu rõ về tài sản, tác động của những dự án đầu tư đã được thực hiện, do đó làm hạn chế việc đưa ra các quyết định chiến lược.
Ông Norio Saito cho rằng, để hỗ trợ hệ thống quản lý tài sản công hiệu quả hơn, cần tập trung vào một số cải cách. Theo đó, cần sắp xếp và hợp lý hóa trách nhiệm giữa các bộ, ngành, loại bỏ sự chồng chéo về trách nhiệm trong quản lý cùng một tài sản.
Bên cạnh đó, cần mở rộng phạm vi cơ sở dữ liệu quốc gia để có thể theo dõi được tất cả các tài sản hạ tầng chính của quốc gia. Có như vậy mới giúp hiểu rõ hơn về tác động lâu dài của từng dự án đầu tư công cụ thể, cũng như giúp có cái nhìn tổng thể về tài sản công.
Một cải cách quan trọng khác không thể thiếu là cần chuyển đổi từ cách tiếp cận hành chính trong quản lý tài sản công hiện nay sang “quản lý theo vòng đời tài sản. Điều này sẽ giúp tránh việc chỉ ghi nhận chi phí tạo ra tài sản tới việc tập trung hơn đến các giai đoạn sau đó trong vòng đời của tài sản như duy tu bảo dưỡng, nâng cấp và thay thế.
Trước nội dung thu hút được nhiều ý kiến tham gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Nợ công ngày càng là một thách thức chính sách vĩ mô của Việt Nam. Cùng với việc huy động nguồn lực cho phát triển, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát các dự án sử dụng vốn vay theo đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ; chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng trả nợ vay. Kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn. Sửa đổi Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược và Chương trình quản lý nợ công trung hạn”. Thủ tướng cũng khẳng định, sẽ tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh - coi đây là một trọng tâm của năm 2017. Đồng thời, Chính phủ sẽ triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên vốn cho phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sự lan tỏa và kết nối phát triển. |