Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên
Một góc huyện Phú Xuyên |
Theo đó, quy mô quy hoạch phân khu đô thị trên khoảng 895,5ha với dân số đến năm 2030 dự kiến khoảng 28.886 người. Đây là khu vực đô thị cải tạo và đô thị mới, bao gồm các chức năng ở mới và khu dân cư cải tạo chỉnh trang, hỗn hợp, thương mại dịch vụ... Là khu trung tâm hành chính, thương mại tổng hợp có vai trò là hạt nhân phát triển của đô thị, là nơi thu hút các hoạt động thương mại, kinh doanh, sản xuất và hoạt động văn hóa giao lưu của đô thị và vùng phụ cận, bao gồm các chức năng: Trung tâm hành chính, thương mại, tài chính, ngân hàng và văn phòng, trung tâm văn hóa vui chơi tổng hợp.
Là trung tâm đào tạo có vai trò cung cấp và nâng cao nguồn nhân lực cho phát triển tại khu vực Phú Xuyên và vùng lân cận với các ngành nghề ưu tiên như hệ thống trung tâm đào tạo và nghiên cứu công nghệ sinh học, công nghệ ứng dụng sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp, trường đầu ngành, trọng điểm quốc gia, và phát triển các cơ sở đào tạo dạy nghề cho nhu cầu lao động của vùng. Bao gồm các chức năng chính như: Trung tâm nghiên cứu, viện đầu ngành, phòng thí nghiệm, các trường đại học và dạy nghề, hỗ trợ đào tạo, nhà ở thương mại....
Là trung tâm tiếp vận giữa đường sắt và đường bộ gắn với khu vực ga Phú Xuyên. Đây là tính chất quan trọng của khu vực, có vai trò phân phối, lưu giữ và trung chuyển giữa Hà Nội và vùng xung quanh. Trung tâm bao gồm các dịch vụ ngoại quan, kho bãi, kho chứa nguyên liệu xăng dầu ga…, sửa chữa, cung cấp phương tiện và dịch vụ vận chuyển, dịch vụ tài chính, thương mại, dịch vụ ăn nghỉ...
Quy hoạch nhằm xác định khung kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Trong đó lưu ý kết nối hạ tầng giữa các khu phát triển mới và đô thị làng xóm hiện hữu. Phát triển khu trung tâm đào tạo, đặc biệt là hệ thống các trung tâm đào tạo, nghiên cứu công nghệ sinh học, công nghệ ứng dụng sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Phát triển đô thị hiện đại gắn với bảo tồn tôn tạo các giá trị di sản truyền thống của địa phương. Hình thành các trung tâm tiếp vận hàng hóa và Logistics tại các khu vực đầu mối giao thông. Quy hoạch xây dựng mới gắn với việc cải tạo nâng cấp các khu vực hiện có, khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, nâng cao điều kiện môi trường sống, cảnh quan chung…