Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên
Ảnh minh họa |
Theo quyết định, tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch trên khoảng 1.161ha; dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 36.384 người.
Đây là một trong ba phân khu đô thị của đô thị vệ tinh Phú Xuyên, có vai trò là trung tâm y tế, thể dục thể thao (cấp vùng) và dịch vụ thương mại cửa ngõ phía Nam Hà Nội, là trung tâm hành chính - thương mại - dịch vụ cấp khu vực...
Về lâu dài sẽ trở thành trung tâm phát triển hỗn hợp tại khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố nhằm giảm sức ép về phát triển trong đô thị trung tâm, đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đô thị hoá vùng ngoại thành.
Ngoài cụ thể hóa các định hướng các quy hoạch chung của huyện Phú Xuyên, Thường Tín, quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên (khu 2) định hướng phát triển các khu trung tâm tổ hợp y tế vùng (đặc biệt là hệ thống các trung tâm nghiên cứu, bảo tồn gen thuốc; các trung tâm nghiên cứu, viện đầu ngành, phòng thí nghiệm, các bệnh viện và trung tâm y tế, khám chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa, cấp cứu, khu dịch vụ hỗ trợ - phân phối thuốc và thiết bị y tế, khu y tế dịch vụ hỗn hợp) và khu trung tâm thể dục thể thao vùng (đặc biệt là hệ thống các tổ hợp trung tâm thi đấu, trung tâm huấn luyện thể dung thể thao và trung tâm thông tin báo chí, hội nghị, hội chợ, làng Olympic và công viên nước...).
Quy hoạch định hướng phát triển đô thị hiện đại gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản truyền thống của địa phương. Quy hoạch xây dựng mới gắn với việc cải tạo nâng cấp các khu vực hiện có, khớp nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, nâng cao điều kiện môi trường sống, cảnh quan chung. Cải tạo các làng xóm hiện hữu theo hướng kế thừa các giá trị văn hóa, cảnh quan và cấu trúc làng xóm hiện có.
Đồng thời phát huy được các yếu tố thuận lợi, tiềm năng phát triển của khu vực, tạo được nét đặc trưng riêng với hệ thống mạng lưới không gian cây xanh mặt nước liên thông kết hợp các tuyến kênh thoát lũ. Hình thành các khu đô thị thân thiện, hài hòa với môi trường tự nhiên và bổ sung các hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái góp phần ổn định, nâng cao đời sống, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân trong vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội…